Theo cử nhân vật lý trị liệu Nguyễn Tiến Hưng, Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Đồng 1, bại não là cách gọi chung của tình trạng não bộ bị tổn thương trước hoặc sau khi sinh, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát vận động của cơ, kiểm soát tư thế. Tùy vào mức độ, có thể có những khiếm khuyết về nghe, nhìn, nhận thức… đi kèm.

Nhiều trẻ bại não vẫn có trí thông minh bình thường, có thể học tập, làm việc… nhưng bị những khó khăn vận động làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống. Có các dạng bại não như co cứng, múa vờn, mất điều hợp hoặc dạng hỗn hợp, trong đó co cứng là hay gặp nhất. Trẻ có thể bị co cứng 2 chi dưới (25%-35%), co cứng nửa người (35%-40%), co cứng tứ chi (40%-45%). Tình trạng co cứng này cũng có nhiều mức độ và tùy vào vùng cơ bị co cứng có thể khiến trẻ đi lại khập khiễng, khó khăn. Cũng có trường hợp hai chân bị co gập nặng nề vì bị co cứng cơ áp đùi khiến trẻ đi vệ sinh khó khăn; việc chăm sóc, vệ sinh cho trẻ cũng gặp nhiều trở ngại, nhất là trẻ gái đến tuổi dậy thì. Co cứng cơ áp đùi cũng có thể dẫn đến bán trật khớp hông, gây đau đớn cho trẻ. Mọi sinh hoạt khác cũng bị ảnh hưởng theo.

Tình trạng co cứng có thể được khắc phục nếu phát hiện sớm và điều trị bảo tồn một cách kiên trì bằng các phương án: tập vật lý trị liệu, dùng nẹp chỉnh hình, tiêm thuốc Botulinum Toxin A (có tác dụng làm giảm co cứng cơ). Thông thường, trẻ được điều trị phối hợp giữa các cách trên. Tuy nhiên, có những quan niệm sai lầm có thể ảnh hưởng đến việc điều trị, như phụ huynh sợ tiêm thuốc sẽ trả nhiều tiền mà không biết đây là loại thuốc thuộc danh mục được BHYT chi trả. Sai lầm thứ hai là sau tiêm, phụ huynh lại sợ con đau nên để trẻ nghỉ ngơi lâu dài, trong khi những tháng đầu sau tiêm là thời điểm thuận lợi để các bài tập vật lý trị liệu phát huy hiệu quả tối ưu. Chỉ riêng thuốc thì không giúp điều trị co cứng mà phải được kết hợp với vật lý trị liệu.

Theo cử nhân vật lý trị liệu Lê Tường Giao, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Đồng 1, việc điều trị cho trẻ bị co cứng cơ do bại não phải được duy trì cho đến tuổi trưởng thành (18 tuổi), chú trọng nhất trong giai đoạn dưới 5 tuổi và giai đoạn dậy thì. Đây là hai giai đoạn cơ thể trẻ tăng trưởng nhiều nhất.

Thu Anh

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.