Theo các chuyên gia tâm thần, vì những nguyên nhân khác nhau, người tìm cách tự hủy hoại bản thân hay tìm đến cảm giác đau đớn là dấu hiệu báo động của một dạng rối loạn tâm thần nguy hiểm.

Dấu hiệu của nhiều bệnh

“Tôi đã từng nghi hoặc khi tình cờ phát hiện trên cánh tay con bé có những vết sẹo còn mới và kỳ quặc, như bị rạch mấy đường song song nhưng nó bảo bị ngã. Tôi cũng tạm tin, sau đó vì bận rộn nên quên bẵng… Cho đến một hôm, tôi chết sững khi tình cờ phát hiện con bé trong góc nhà kho, dùng một chiếc khăn lụa quấn quanh cổ mình, rồi siết chặt. Tôi hoảng hồn định chạy tới thì con bé đã buông khăn, rồi ôm cổ thở hổn hển…” - người mẹ của một cô bé 14 tuổi đăng mấy dòng tâm sự lên Facebook để cầu viện bạn bè. Chị vô cùng hoảng sợ khi biết thông tin gần đây có nhân viên y tế mắc chứng tâm thần BIID đã tự cắt cụt chân mình. Chị lo rằng hành động tự hủy hoại của con mình rồi sẽ nghiêm trọng hơn.

Chia sẻ với người mẹ trên, bà N.T.N.S (39 tuổi, doanh nhân), mẹ đơn thân của một cô bé đang học THPT, cũng kể câu chuyện của con mình. Bà phát hiện những vết cào cấu, vết rạch khó hiểu trên tay, chân cô con gái 16 tuổi; rồi còn phát hiện con uống rượu, nhịn ăn, tập thể thao đến kiệt sức và như cố ý để cho cơ thể đau rã rời sau bài tập. Cô bé cũng luôn thờ ơ với mọi thứ, mẹ hỏi gì cũng trả lời nhát gừng. Bà S. nhờ đến cộng đồng mạng bởi không biết phải đối diện với con thế nào, không dám hỏi vì sợ con đang muốn tự tử và sự can thiệp của mình sẽ trở thành giọt nước tràn ly.

Trắc nghiệm tâm lý cho một thiếu nữ tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM

Trắc nghiệm tâm lý cho một thiếu nữ tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM

Nỗi lo của bà S. đã được một người bạn chia sẻ với một bác sĩ (BS) tâm thần. Vị BS này đồng ý đến thăm nhà bà S. trong vai người bạn. Ông phát hiện cô bé không những bị trầm cảm mà còn dùng một loại ma túy tổng hợp sau lần chia tay bạn trai. Cô lại chưa bao giờ dám chia sẻ nỗi buồn “muốn chết được” với mẹ vì bà S. luôn bận rộn và nóng nảy.

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần Khu vực TP HCM, các hành động tự làm đau đớn, tổn thương bản thân như rạch tay chân, đập đầu, cào cấu, dùng thuốc lá gí vào người, dùng hóa chất gây bỏng rộp… có thể gọi chung là hành động tự hủy hoại. Hành động tự hủy hoại có thể gặp ở nhiều bệnh tâm thần như: tâm thần phân liệt; loạn thần do sử dụng chất kích thích, nhất là ma túy tổng hợp; rối loạn stress tuổi thanh thiếu niên; trầm cảm và có ý tưởng tự sát…

Lý do một người bệnh đi tìm cơn đau có thể rất khác nhau. Có thể vì một cảm giác cuồng loạn, không thể kiểm soát khi dùng ma túy tổng hợp kết hợp với không gian, tiếng nhạc kích thích, rượu. Có thể đơn giản là trẻ muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ, phản ứng với cha mẹ trong rối loạn stress thanh thiếu niên. Hay nguy hiểm hơn là người có ý định tự sát đang thử cảm giác đau đớn!

Bình tĩnh xử lý

Theo ThS Trần Thị Yến Nhi, chuyên viên tâm lý thuộc Khoa Cận lâm sàng Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, khi phát hiện người thân đang tìm đến cảm giác đau đớn qua các hành động tự hủy hoại, tốt nhất nên bình tĩnh, đừng phản ứng quá mạnh như la mắng, trách móc. Hãy xem lại mối quan hệ gia đình, cách cư xử của những người thân thiết nhất… Liệu có điều gì đó đã ảnh hưởng đến họ? Sau đó, nên tìm cách nói chuyện nhẹ nhàng, xem thử họ có điều gì cần chia sẻ hay muốn giúp đỡ?

Tình huống người tự hủy hoại là trẻ em thì càng đáng được lưu tâm. Bà Yến Nhi cho rằng có thể mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bất ổn; cũng có khi chỉ cần mối quan hệ giữa cha và mẹ rạn nứt, trẻ cũng bị stress và có thể dẫn đến các hành động trên. Trong khi đó, BS Quang khuyến cáo người lớn không nên nhìn vào tâm lý của một đứa trẻ bằng góc nhìn của mình. Đôi khi, có những chuyện mà người lớn cho là “vặt vãnh” như bị bạn trai, bạn gái chia tay cũng có thể khiến trẻ bị stress, trầm cảm và biểu lộ bằng những thay đổi tính nết, hành vi.

“Nếu thấy một người tự hủy hoại, đầu tiên hãy sơ cứu cho họ và đưa đến cơ sở y tế nếu cần. Dù tự hủy hoại vì lý do gì, tâm thần phân liệt hay loạn thần do chất kích thích, trầm cảm… thì người bệnh cũng cần được gặp BS chuyên khoa để thăm khám” - BS Quang lưu ý.

Coi chừng dấu hiệu muốn tự tử

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, nguyên nhân các dấu hiệu tự hủy hoại do người có ý định tự tử muốn “thử cảm giác đau đớn” là rất đáng ngại, ví dụ như những dấu rạch trên cổ tay. Không loại trừ đó là vết tích của những lần tự tử hụt do họ chưa đủ can đảm. “Tôi đã từng gặp một vài bệnh nhân, họ thú nhận đã tự tử rất nhiều lần nhưng đều may mắn được cứu” - BS Quang cho biết. Vì vậy, khi phát hiện và nghi ngờ điều này, người thân cần đưa người bệnh đến chuyên khoa tâm thần để điều trị sớm vì không thể biết trước khi nào họ sẽ tái diễn hành động sai lầm.

Bài và ảnh: ANH THƯ

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.