Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP HCM) vừa triển khai kỹ thuật phẫu thuật bằng robot và đây là lần đầu tiên, kỹ thuật mổ cho người lớn được áp dụng tại Việt Nam.

Ca mổ thứ 20

Bệnh nhân đầu tiên được mổ bằng kỹ thuật robot này là ông N.V.T (64 tuổi, quê Quảng Ngãi), bị u đại trực tràng. Ông T. bị ung thư đại tràng nhiều năm qua, có chỉ định phải phẫu thuật.

Tại phòng mổ robot, vị bác sĩ phẫu thuật bắt đầu công việc của mình. Khác với cách mổ hở truyền thống (đứng sát và thao tác trực tiếp trên người bệnh nhân), từ bàn điều khiển đặt cách bàn mổ khoảng 3-4 m, ông nhìn vào màn hình 3D, 2 tay gắn vào cần điều khiển rồi bắt đầu từng thao tác. Những vết cắt, đốt được thực hiện hết sức chuẩn xác. Xung quanh robot và bàn mổ được bố trí nhiều màn hình, phóng đại từng bộ phận, giúp cả ê-kíp quan sát rất rõ. Sau 3 giờ, ca mổ thành công.

Một ca mổ khác được thực hiện bằng robot ngay trong sáng 20-12 là bệnh nhân L.H.S, 32 tuổi, bị hẹp khúc nối bể thận niệu quản. Sau hơn 2 giờ rưỡi, qua cánh tay robot, anh S. đã được can thiệp thành công. TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, cho hay đây là ca thứ 20 được mổ bằng robot sau khoảng một tuần BV triển khai. Số bệnh nhân được phẫu thuật trước đó gồm đủ loại bệnh lý như ung thư trực tràng, tuyến tiền liệt, hẹp niệu quản, u thận...

“Đây là đỉnh cao của ngoại khoa, giúp phẫu thuật viên thực hiện chuẩn xác từng đường dao mũi chỉ, đồng thời giúp người bệnh mau hồi phục, giảm các tai biến, biến chứng so với các kỹ thuật khác” - bác sĩ Hưng khẳng định.

Cũng theo bác sĩ Hưng, robot ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trên thế giới. Việc ứng dụng công nghệ cao này vào y học là một bước tiến vượt bậc, đưa ngành phẫu thuật đến một đỉnh cao mới. Sau khi phẫu thuật robot được thực hiện đầu tiên ở Mỹ vào cuối những năm 1980, kỹ thuật này hiện đã phát triển đến thế hệ thứ tư với 4 cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 540 độ, hình ảnh 3D. Với góc phẫu thuật mà không cánh tay người nào thực hiện được, robot có thể mổ ở những vị trí khó và di chuyển tự do ở 6 góc độ một cách linh hoạt.

Hiện nay, phẫu thuật robot đã trở nên phổ biến ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... trong việc điều trị các ca bệnh phức tạp như bướu ác tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang, tụy, trực tràng... Nhờ khả năng linh hoạt, chính xác, kỹ thuật này có ưu điểm hơn mổ mở cũng như phẫu thuật nội soi kinh điển (hạn chế tầm nhìn...), đồng thời cho kết quả phẫu thuật tốt hơn.

Robot phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân (TP HCM)

Robot phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân (TP HCM)

Chẩn bệnh từ xa

Nếu kỹ thuật nêu trên chuyên về phẫu thuật cứu người thì một hệ thống robot khác chuyên chẩn bệnh từ xa cũng được áp dụng cách đây chưa lâu tại TP HCM, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Robot chẩn bệnh từ xa này được BV huyện Củ Chi và BV Nhân dân Gia định (TP HCM) lần đầu tiên áp dụng. Theo đó, mỗi lần gặp ca bệnh khó, vượt quá khả năng chuyên môn hay cần hỗ trợ của các bác sĩ “đàn anh”, từ BV huyện Củ Chi, thông qua robot với đầy đủ tính năng thông minh kết nối (siêu âm, nội soi…), các chuyên gia tại BV Nhân dân Gia Định sẽ đưa ra những ý kiến trợ giúp, đồng thời có thể thăm khám, xem kết quả trực tiếp của người bệnh.

ThS-BS Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc BV huyện Củ Chi, cho biết thời gian qua, nhờ hệ thống robot này, nhiều bệnh nhân được hưởng lợi rất nhiều vì ngồi ở dưới... quê nhưng được chữa trị bởi các bác sĩ từ BV lớn của TP.

Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, BV luôn sẵn sàng đội ngũ thầy thuốc chẩn bệnh khi BV huyện Củ Chi có nhu cầu. Thiết bị chẩn bệnh từ xa này có nhiều tính năng thiết thực, ngoài việc giúp bác sĩ chẩn bệnh chính xác, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới còn giúp giảm tốn kém, bất tiện cho người bệnh.

Theo bác sĩ Trần Vĩnh Hưng, do có khả năng kết nối với máy tính nên phẫu thuật robot sẽ giúp thực hiện khả năng mổ từ xa. Điều này mở ra những khả năng ứng dụng lớn trong tương lai như trong các thảm họa, khi ở hải đảo hay khu vực địa lý xa xôi. GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thông tin: “Sắp tới, Sở Y tế sẽ áp dụng hệ thống chẩn bệnh từ xa này cho các BV tuyến huyện trên địa bàn TP”.

Cơ hội cho người nghèo

Theo TS-BS Trần Vĩnh Hưng, chi phí cho một ca mổ bằng robot tại BV Bình Dân khoảng 70-90 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với chi phí ở nước ngoài. Người bệnh dù có điều kiện kinh tế thấp vẫn được tiếp cận chữa trị bằng kỹ thuật cao này. BV Bình Dân đang xây dựng danh mục kỹ thuật để trình Bộ Y tế xét duyệt, sau đó đề nghị BHYT chi trả một phần viện phí cho người dân.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.