Sau Tết, ngoài vụ ngộ độc rượu làm 8 người chết ở tỉnh Lai Châu gây xôn xao, giới chuyên môn còn lo ngại về nhiều trường hợp lạm dụng bia rượu dẫn đến viêm tụy cấp kèm theo biến chứng nguy hiểm.

Một phần tụy bị hoại tử

Anh Nguyễn Minh H. (34 tuổi, ngụ TP HCM) là một trong những trường hợp mới nhất “ngã nhào” do lạm dụng rượu. Sau một ngày vui quá chén, anh H. đau bụng dữ dội. Anh được đưa đi cấp cứu sớm song các bác sĩ xác định một phần tụy đã bị hoại tử. Hiện các bác sĩ đang tìm cách bảo tồn tụy cho người đàn ông này để tránh một cuộc phẫu thuật do biến chứng.

Một trường hợp khác rơi vào tình trạng nguy kịch khác do bia rượu là ông Lê Hoàng K. (45 tuổi, ngụ Vĩnh Long). Sau một ngày quá chén với bạn bè, ông K. bỗng đau bụng dữ dội, người mệt mỏi, khó thở, không ăn uống được. Tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM, ông được xác định bị viêm tụy cấp mức độ nặng kèm theo các biến chứng suy thận, suy hô hấp và đang được chạy thận, lọc máu.

Sau Tết, chúng tôi ghi nhận tại các BV lớn trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, Gia Định, Nhân Dân 115..., thấy số bệnh nhân nam nhập viện điều trị do bia rượu khá đông. Tại Khoa Nội tiêu hóa BV Chợ Rẫy, hiện số bệnh nhân viêm tụy cấp do bia rượu chiếm 20% số giường của khoa. Con số này, theo bác sĩ Hồ Tấn Phát (trưởng khoa), là chưa từng có tại đây. Bệnh nhân đa số là nam, ở độ tuổi 25-47 và đến từ các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Trà Vinh, Long An... Trong khi đó, tại Khoa Nội tiêu hóa BV Đại học Y Dược, số bệnh nhân liên quan đến bia rượu tăng đến mức báo động. Hơn 50% trong số bệnh nhân đang được điều trị bị các bệnh như viêm tụy cấp, viêm gan và dạ dày. Thống kê cũng cho thấy cứ 20 ca nhập viện ở đây thì có đến 7 trường hợp viêm tụy cấp, chiếm 1/3 lượng bệnh.

Khám bệnh về tiêu hóa liên quan đến rượu bia tại một bệnh viện ở TP HCM

Khám bệnh về tiêu hóa liên quan đến rượu bia tại một bệnh viện ở TP HCM

Chẩn đoán, điều trị khó

Theo các bác sĩ, viêm tụy cấp là một bệnh phổ biến thường gặp trong các bệnh lý về tiêu hóa cần phải nhập viện. Nhiều bệnh nhân đau bụng quằn quại, nôn ói và đại tiện ra máu nhưng cứ tưởng do ngộ độc thực phẩm, viêm ruột thừa, thủng dạ dày..., mà thật ra là đã bị viêm tụy cấp sau những chầu nhậu quá đà. Có người còn bị tổn thương gan, thận, thậm chí suy đa phủ tạng nặng nề, trụy tim mạch, sốc dẫn tới tử vong.

Theo bác sĩ Hồ Tấn Phát, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa BV Chợ Rẫy, viêm gan, xơ gan do bia rượu rất phổ biến nhưng viêm tụy cấp do bia rượu thì ít người biết đến nhưng lại rất nguy hiểm. Viêm tụy cấp có 2 nguyên nhân: do bia rượu và sỏi mật. Trong số bệnh nhân đang điều trị viêm tụy cấp có người nghiện rượu đã hàng chục năm, dịp Tết vừa qua đã “nạp” quá nhiều nên khó tránh hậu quả.

ThS-BS Võ Ngọc Quốc Minh, Khoa Nội Tiêu hóa BV Đại học Y Dược, cho biết tụy là một cơ quan trong ổ bụng, có chức năng tiết ra dịch tụy hay còn gọi là dịch tiêu hóa giúp tiêu hóa thức ăn. Chức năng thứ hai là tiết ra một số hormone, quan trọng nhất là insulin, nếu không có đủ insulin sẽ gây ra bệnh tiểu đường. Các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp là sau khi uống bia rượu từ 1 đến 3 ngày thì người bệnh đột ngột đau bụng dữ dội, nôn ói, ăn uống không được. Có trường hợp người bệnh chỉ bị đau nhẹ nên bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm là bị viêm dạ dày.

Bệnh viêm tụy cấp thường gặp ở những người uống rượu thường xuyên. Mức độ nặng của viêm tụy cấp có thể làm suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận, suy gan và dễ dẫn đến tử vong. Do đó, người bệnh không được chủ quan khi bị viêm tụy cấp. Bác sĩ Minh khuyên khi có các triệu chứng viêm tụy cấp kể trên thì người bệnh cần phải nhập viện để điều trị, không nên điều trị ngoại trú hay ở các phòng khám.

Dễ tái phát, tăng nặng

Giới chuyên gia cho biết cách điều trị cho người bệnh bị viêm tụy cấp là cho nhịn ăn uống, truyền dịch để bảo đảm cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng cho người bệnh, sau đó mới cho ăn lại từ từ. Mục đích điều trị nội khoa là để cho tuyến tụy nghỉ ngơi và điều trị các rối loạn do viêm gan gây nên. Người bệnh sẽ được nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch trong 7-10 ngày tùy đáp ứng hồi phục; được dùng các thuốc giảm đau và ức chế tiết dịch... Cần lưu ý, nếu người bệnh đã bị viêm tụy cấp do rượu bia thì nên tránh không tiếp tục uống vì có thể tái phát, lần sau sẽ nặng hơn những lần trước.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.