“Đề tài di sản luôn tạo cho tôi niềm cảm hứng mãnh liệt khi cầm máy” - Nguyễn Á nói. Thế nhưng, không phải ai cũng dễ dàng chiến thắng bản thân, vượt qua nỗi mệt mỏi của những chặng bay triền miên, trải mình theo những cung đường dài ngày về vùng sâu, vùng xa, lặn lội theo chân các “di sản sống”, các nghệ nhân dân gian… để nghe, để xem, để cảm và có được những khoảnh khắc bấm máy xuất thần.

Nguyễn Á và “cuộc chơi” đẳng cấp

Nguyễn Á đơn độc chạy xe máy lặn lội đi hết miền Nam để “bắt” được cái thần của đờn ca tài tử; ra tận miền Trung theo tiếng gọi quyến rũ của nhã nhạc cung đình Huế; chấp nhận hiểm nguy đường trường đèo núi tìm ra những góc máy lạ nhất, đẹp nhất cho sử thi huyền thoại Tây Nguyên; chập chờn mộng mị với những cung chầu văn ảo diệu; về tận rừng núi miền Trung để nghe mộc mạc điệu ví, câu giặm; thả hồn cùng liền anh, liền chị quan họ Kinh Bắc đậm đà bản sắc, lên miền trung du để chụp điệu hát xoan nơi đất Tổ…

Không chỉ là tiền bạc, công sức bỏ ra theo đuổi “cuộc chơi” đẳng cấp, để có thể lưu lại những khoảnh khắc thăng hoa của di sản văn hóa phi vật thể, người cầm máy phải say, phải mê, phải đeo đuổi miệt mài học hỏi, tìm tòi, tích lũy kiến thức. “Gần đây nhất, khi người Mẹ qua hình ảnh Thánh Mẫu của di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, mà hầu đồng là một trong những nghi thức của hoạt động tín ngưỡng dân gian, được UNESCO vinh danh đầy thuyết phục càng khiến niềm tự hào trong tôi dâng lên gấp bội. Càng đi, càng chụp, càng được khám phá đã mở ra cho tôi một kho tàng kiến thức khổng lồ về các loại hình văn hóa độc đáo của đất nước mình” - Nguyễn Á tự sự.

GS sử học Phan Huy Lê khẳng định: “Hàng chục vạn năm kể từ khi con người xuất hiện, hàng ngàn năm kể từ khi nhà nước đầu tiên hình thành, lịch sử để lại cho chúng ta ngày nay một di sản văn hóa thật đồ sộ và phong phú. Dẫu rằng đất nước không rộng lắm, dân số không đông lắm, lại bị thiên nhiên và chiến tranh tàn phá nặng nề, các di tích vật thể còn được bảo tồn không nhiều và không hoành tráng lắm. Nhưng vẫn còn đó một tòa thành Cổ Loa vào loại sớm nhất Đông Nam Á, một Hoa Lư trọng yếu, một Hoàng thành Thăng Long cổ kính, một thành Nhà Hồ kiên cố, một thánh địa Mỹ Sơn bí ẩn, một cố đô Huế trầm mặc… Và di tích phi vật thể gắn liền với cuộc sống và sự lưu luyến của con người, của các dân tộc. Kể từ năm 2003 đến năm 2016, có 11 di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”.

GS Phan Huy Lê nhận xét thêm về tác phẩm mới của Nguyễn Á: “Mỗi di sản 30 trang được chọn lọc qua hàng ngàn ảnh do tác giả tìm đến từng di sản để chụp, cùng những lời giới thiệu, chú giải ngắn gọn, liên kết lại thành một tập sách ảnh nghệ thuật phản chiếu tính đa dạng, phong phú, những giá trị tiêu biểu của 11 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam. Đây là ý tưởng có tầm nhìn văn hóa của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á và cũng là một công trình văn hóa nghệ thuật có giá trị góp phần quảng bá và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam”.

GS Phong Lê (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thì cho rằng: “Xưa và mới, tôi muốn có một phụ đề như thế cho bộ sách ảnh này của Nguyễn Á. Xưa, rất xưa nhưng không cũ. Bởi một sự sống bền vững nhiều ngàn năm trong tâm thức, trong lễ nghi, trong quan hệ, trong sinh hoạt của các cộng đồng cư dân Việt. Xưa và mới, rất mới. Bởi nó đến được với nhân loại hôm nay, và được nhân loại tôn vinh - một nhân loại trong bối cảnh của toàn cầu hóa và kỷ nguyên thông tin, khiến cho không ai có thể tồn tại trong cô lập và như vậy phải có cái gì là riêng, là bản sắc để không những không tự đánh mất mình mà còn làm giàu cho cái chung. Đó là thông điệp quan trọng tôi nhận được từ bộ sách ảnh thứ sáu - rất công phu, rất nhiều tâm huyết này của Nguyễn Á”.

Hòa Bình

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.