NS Đặng Vinh Quang nổi tiếng trong vở Đời phụ anh hùng

NS Đặng Vinh Quang nổi tiếng trong vở "Đời phụ anh hùng"

Thời thiếu niên, ông là bạn cùng quê với NS Trương Hoàng Long. Cả hai đã học cùng thầy, cùng tham gia đờn ca tài tử rồi lớn lên cùng đi theo gánh hát. Sau này, họ lại cùng đứng chung trên sân khấu Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cho tới ngày nghỉ hưu.

NS Đặng Vinh Quang là người đã đóng góp rất nhiều cho sân khấu cải lương. Mỗi sân khấu ông đi qua đều để lại những ấn tượng tốt đẹp bằng tài năng ca diễn. Ông có giọng ca trầm ấm, âm vực rộng, ảnh hưởng nhiều từ việc học theo cách ca của nghệ sĩ Thành Được.

So với các nghệ sĩ cùng trang lứa chịu ảnh hưởng của NS Thành Được thời đó như: Hoài Trúc Phương, Viễn Sơn, Phương Thanh…, giọng ca của Đặng Vinh Quang phong phú hơn, biết tạo cho mình những nét phá cách, nhất là những dấu sắc trong bài vọng cổ. Có lẽ vì vậy mà một thời gian, khi NS Thành Được nghỉ hát, các đoàn đã mời NS Đặng Vinh Quang diễn thế các vai của ông hoàng sân khấu cải lương.

Trên sân khấu Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, từ những năm đầu thành lập, NS Đặng Vinh Quang đã tham gia và nổi tiếng với vai Nguyễn Thái Bình trong vở “Chim Việt cành nam”.

Đây là vai diễn tạo dấu ấn đẹp trong sự nghiệp của NS Đặng Vinh Quang. Ông đã hóa thân thật xuất sắc vai diễn này và khán giả thời đó đã gọi tên nhân vật Nguyễn Thái Bình – người chiến sĩ cách mạng trung kiên, thay vì gọi tên nghệ danh của ông.

“Đến nay, vẫn chưa có nghệ sĩ nào đóng vai Nguyễn Thái Bình xuất sắc hơn Đặng Vinh Quang. Thành công với nhiều vai chính được khán giả yêu mến nhưng khi các đoàn hát cần, anh vẫn luôn về đóng vai phụ, yểm trợ cho đàn em. Anh là một tấm gương sáng trong nghề” – NS Trương Hoàng Long nhận xét.

Năm 1960, khi bắt đầu rời gia đình, dấn thân vào nghiệp ca hát, NS Đặng Vinh Quang theo đoàn Ngọc Hoa (Đào kép chánh là Ngọc Hoa - Thanh Hùng), lúc đó ông làm quân, chạy cờ, dù ca chắc nhịp đờn, bài bản vững vàng, lại có làn hơi phong phú, ngọt ngào nhưng vì chưa biết diễn đành chấp nhận học từ thấp lên cao.

Sau này, nhờ sự siêng năng, mọi người đánh giá ông là kép triển vọng. Chưa đầy một năm, tài năng của ông lọt vào cặp mắt nhà nghề của tác giả tài danh Hoa Phượng, khi ông theo đoàn Trường Sơn ngang dọc miền Trung. Khi đoàn Trường Sơn khởi tập vở “Luật giang hồ”, ông được soạn giả Hoa Phượng lăng xê với vai Dương Vỹ Long. Sau đó, khi soạn giả Hoa Phượng về cộng tác với đoàn Thái Dương trong vai vai trò Giám đốc kỹ thuật thì NS Đặng Vinh Quang đầu quân cho đoàn Thanh Hương – Hùng Minh, rồi về đoàn Minh Cảnh.

“Vận mệnh của NS Đăng Vinh Quang gắn với soạn giả Hoa Phượng, nên khi NS Phương Thanh nghỉ hát đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, bà bầu Thơ đã mời anh về hát thay thế. Từ lâu, bà bầu Thơ đã cho người ngầm theo dõi từng bước hoạt động nghệ thuật của anh. Bà thích cách ca diễn của anh kép trẻ này. Suốt thời gian về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga lưu diễn miền Trung, anh là kép chánh hát cặp với nghệ sĩ Thanh Nga. Thời gian này, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga thường diễn nhiều kịch bản của Hà Triều - Hoa Phượng, những vở như; “Đi biến một mình”, “Đời phụ anh hùng”, “Giữa chốn bụi hồng”… Có thời gian NS Thanh Nga nghỉ hát, anh đã diễn cặp với NS Hương Lan – con gái NS Hữu Phước, cùng đóng chánh với anh trong vở “Lời thề trước mộ” của soạn giả Quy Sắc. Giữa lúc đường sự nghiệp đang lấp lánh, sáng sủa, khi đoàn Thanh Minh - Thanh Nga diễn ở miền Tây thì 18 người nghệ sĩ bị bắt quân dịch. Đoàn phải ngưng hoạt động, riêng anh được bà bầu Thơ thương mến, che chở cho khỏi bị bắt quân dịch, sau đó cho ra ở ngoài Nha Trang lánh thân một thời gian” – NSƯT Hùng Minh kể.

Sau ngày đất nước thông nhất, NS Đặng Vinh Quang về đoàn Văn Công TP HCM, sau đó về Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Ông luôn dìu dắt đàn em đến với nghề, hết lòng truyền đạt kinh nghiệm. Khi về hưu, ông đã từng bị tai nạn giao thông dẫn đến mất trí nhớ một thời gian. Tuy nhiên sau đó nhờ chịu khó tập vật lý trị liệu, ông đã phục hồi trí nhớ và tiếp tục tham gia biểu diễn. “Khi hay tin anh qua đời, nghệ sĩ đồng nghiệp rất thương tiếc vì anh sống rất hòa nhã, hết lòng với nghề và luôn giữ gìn đạo đức, nhân cách. Anh là tấm gương sáng đối với thế hệ nghệ sĩ trẻ” – NSƯT Cẩm Tiên chia sẻ.

Tang lễ NS Đặng Vinh Quang được tổ chức tại nhà riêng, số 11 đường Đông Hưng Thuận 22 (ĐHT 22) khu phố 1, quận 12, TP HCM. Lễ viếng lúc 21 giờ ngày 20-12. Lễ động quan lúc 8 giờ ngày 24-12. Sau đó sẽ an táng tại Cần Đước, Long An.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.