Ngày còn là cô nữ sinh “áo dài trắng tung bay trong gió”, Dương cũng hồn nhiên, cũng có trái tim nhạy cảm biết rung động. Thời gian tô điểm cho Dương một khuôn mặt trong sáng hiền lành, một nụ cười phúc hậu, mái tóc đen dài Dương thường xõa xuống mặc cho gió tung tóc bay bay.

Trai xóm Đước phải lòng cô gái mười chín đôi mươi, cậy mẹ cha mang trầu cau sang dạm hỏi. Nhưng “ai đời gái nhà giàu không chọn, đi chọn con nhỏ nghèo xác nghèo xơ, mẹ bán bánh rong ngoài chợ”. Miệng đời đắng cay. Mà giả sử nếu họ có qua dạm hỏi thật thì Dương cũng có chịu đâu khi trong tim ấp ủ một bóng hình “nghèo mà chân chất, có tình, có nghĩa…”.

Bến quê tấp nập, khách quen đã xuống hết rồi mà chiếc đò vẫn còn trống chỗ. Ngạn đứng đó dịch dịch mái chèo khỏa nước. Khách quen vẫn hay ngồi đò của Ngạn đùa: “Lại chờ con Dương đến mới chịu chèo cho tụi tui qua sông hả chú em?”. Người trên đò cười vang. Ngạn ngại ngùng chỉ biết bẽn lẽn: “Chú Tư ghẹo con hoài…”. Ngày nào Ngạn cũng chờ để đưa Dương sang sông. Chèo đò trên sông này cũng năm bảy năm rồi, khi cậu trai quê còn chưa biết mắc cỡ là gì, ngày mưa dầm sùi sụt cứ trần truồng như nhộng chạy rông khắp xóm tắm mưa. Ngạn lớn dần theo thời gian, tay chân rắn chắc, làn da rám nắng phong sương với cái miệng cười “có duyên chết được”. Nhà Ngạn cũng nghèo như nhà Dương. Chiếc đò với đôi mái chèo lâu năm nước lên đen bóng không ngày nào là không khỏa nước.

Vết thương lòng

Sáng, Ngạn đưa Dương sang sông đi học, trưa lại đón em về. Thương nhau hồi nào không biết…

“Ngạn ơi, em xin lỗi”. Nước sông hết ròng rồi lớn, lục bình trôi đến rồi lại trôi đi.

“Dương qua sông không, tui chở qua?”. Dương cười ríu mắt: “Ừ tui đi chợ. Mà hứa với tui đi, lấy tiền tui mới đi chứ chở không tui hổng có đi đâu…”. Ngạn gãi gãi đầu: “Tui hông lấy tiền. Mai mốt… tui lấy Dương làm vợ, Dương có chịu hông?”.

Dương vân vê tà áo, cúi mặt, hai gò má ửng hồng.

- “Chèo đò nuôi tui nổi hông đó?”.

- “Nổi chớ! Nữa Dương ngồi mũi đò thu tiền, tui chèo đò. Có mình tui làm hông xuể…”.

Rồi Dương nghỉ học khi vừa thi cuối cấp. Mẹ bệnh nặng. Đồ đạc trong nhà cái nào được Dương đem bán hết, lấy tiền thuốc thang cho mẹ. Áo dài trắng hồn nhiên xếp gọn trong ngăn tủ khép lại thời học trò mơ mộng. Số tiền bán đồ không nhiều, Dương mời bác sĩ trên xã về khám cho mẹ. Bác sĩ kêu Dương đưa mẹ lên bệnh viện tỉnh, ở đó có trang thiết bị tốt nhất có thể kéo dài sự sống. Dương khóc nức nở. Tiền đâu ra khi em vừa mới rời trường…

Ngạn đưa Dương qua sông. Đến bến, Ngạn dúi vào tay Dương một gói giấy học trò.

- “Tui có nhiêu đây, Dương cầm lo thuốc thang cho mẹ”.

- “Trời, anh Ngạn. Anh chèo đò nắng nôi cực khổ, tiền đâu ra mà đưa cho em nhiều vậy?”.

- “Dương cầm đi. Tiền tui để dành đó”. Và tay Ngạn chạm lấy tay Dương…

Một chiều mưa lất phất rơi. Con đường xóm Đước lầy lội, vắng người. Khách qua đò cay đắng truyền tai nhau “con Dương xóm này bán bia ôm ngoài quán bà Bảy Tỷ cua được ông đại gia ăn mặc bảnh bao, đi xe hơi, đeo vàng đỏ tay…”. Ai đó xầm xì: “Thiệt hông đó, nói bậy tội con nhỏ, nó hiền khô hà”.

- “Coi vậy chứ hổng phải vậy đâu mấy cha”. Mụ kia bép xép.

- “Thôi, kệ người ta đi!”.

Ngạn bặm môi, tay bóp chặt tay chèo làm con đò giật giật. Khách qua sông đã lên bờ hết, Ngạn ngồi dưới bến, chờ Dương, để hỏi cho rõ…

Dương im lặng, cúi đầu, hai mắt đỏ hoe. “Anh Ngạn, đừng chờ tui nữa. Tui…”.

Ngạn chết lặng. Bến sông từ đó vắng con đò…

Bến quê bao mùa vẫn thế. Chỉ có cuộc đời là đổi thay. Lục bình rồi cũng rời xa chốn cũ để trôi về một ngả sông nào đó. Đời là những lần va víu vào nhau rồi vĩnh viễn chia lìa. Cõi tạm.

Dương bước từng bước trên cỏ. Cỏ xước vào chân em, túa máu.

Người ta kéo ầm ầm đến nhà Dương, tiếng đàn bà la ó, chửi rủa, đàn ông xôn xao bàn tán, con nít chạy rần rần. Họ đua nhau đến coi “con đàn bà giựt chồng người ta, bị vợ người đó tạt ca axít vô mặt”. Chị em chua chát được cớ mổ xẻ chuyện của Dương. Chuyện một xé ra mười. Mẹ Dương thương con, thấy con bưng mặt lăn lộn dưới đất, bà lên cơn suyễn rồi lịm dần. Người ta bế Dương lên xe chở ra trạm y tế xã, xã chuyển em ra bệnh viện tỉnh. Mặt Dương biến dạng, nhan sắc phai tàn…

Nghĩ đến mà đau từng đoạn mạch.

Mẹ mất. Dương với khuôn mặt dị hình, ôm hũ cốt của mẹ, rời xóm Đước. Không ai biết em đi đâu. Có người kể lại “bữa đó thấy con Dương ôm hũ cốt của mẹ nó, tay xách giỏ, khăn the che mặt, lên xe đò đi đâu mất”. Dương biệt tích không về.

Người ta rồi cũng quên dần “cô gái bị tạt ca axít” năm nào, quên cả anh chèo đò tội nghiệp.

* * *

Xóm Đước bây giờ đổi khác, đường đi trải nhựa, nhà cửa khang trang. Dương không nhận ra đâu là khoảng đất có ngôi nhà cũ kỹ năm nào. Ngôi nhà che nắng, che mưa. Ngôi nhà của nghĩa tình. Ở đó có mẹ, có tháng năm học trò Dương gửi lại, có luống cải ra hoa sau nhà Dương tiếc không nhổ bỏ. Có cả ký ức đau buồn loang loáng màu máu…

- “Dạ cho cháu hỏi, nhà Tư Hường…”.

Người qua đường chưng hửng. Dương nhận ra đó là thím Tím trong xóm hồi xưa. Gần chục năm rồi thím vẫn giữ thói quen búi tóc sau đầu, giắt cây trâm hồi thuở nào trên đụn tóc búi.

- “Tư Hường nào ta?... Ở đây có một Tư Hường thôi, mà bả mất lâu lắm rồi, con gái bả cũng bỏ đi biệt xứ…”.

Không ai nhận ra Dương. Xóm Đước bình an như mặt sông lặng sóng. Chỉ có con đò là mãi vẫn không về. Cả anh chàng tên Ngạn đưa đò quen thuộc ngày nào cũng lặn mất dưới vực sâu. Ngạn đi, bến sông nhớ đau nhớ đớn…

Dương ngồi ngắm lục bình trôi trên sông. Lục bình ở đâu ngoài sông lớn theo con nước trôi về, tạt qua rồi đậu lại bãi sông một thoáng. Rồi lục bình trôi đi. Đời là những ngã rẽ ngược chiều...

Bóng quê tắt lịm, hoàng hôn trùm phủ mặt sông tự lúc nào.

- “Con gái, về nhà đi, trời tối rồi kìa…”.

Dương giật mình. Màn đêm lả lướt. Dương kịp nhận ra đó là bà Ba bán hủ tiếu gõ đầu xóm, dưới góc cây mận hồi nhỏ mỗi lần đi học về ngang Dương hay trèo lên hái trái. Bà Ba hồi xưa thương Dương như con ruột vậy mà giờ cũng không nhận ra. Em giờ đã khác sau một đợt phẫu thuật thẩm mỹ. Ca phẫu thuật ấy kéo Dương ra khỏi những tháng năm u tối, sống mà như đã chết, phải che chắn khuôn mặt dị dạng biến hình.

Em cởi bỏ chiếc khăn bao mặt đáng sợ kia ra. Còn vết thương trong lòng, làm sao Dương xóa hết?

Xung quanh gió lạnh tứ bề…

Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.