Bệnh nhân là bé trai Y Khương M. (gần 3 tuổi), bị tai nạn lúc 5 giờ ngày 1-2, được Bệnh viện Đắc Lắk chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1. Cha bé M. kể lại: cây súng hơi cồn do gia đình tự chế đã lâu, chiều hôm đó, người cậu (em của mẹ bé) thử súng bằng cách… nhắm vào đầu cháu mình bắn thử mà không biết trong súng còn một viên bi được dùng làm đạn. Khi nghe tiếng nổ, cả nhà chạy lại thì cháu bé đã bị thương, mắt bên phải đầy máu.

Viên bi thủy tinh có đường kính 15mm

Viên bi thủy tinh có đường kính 15mm

Theo bác sĩ Trần Châu Thái, Trưởng đơn vị Mắt, BV Nhi Đồng 1, thành viên ê kíp phẫu thuật cho bé M., viên bi đi khá sâu, cắm vào cổ mắt, làm tổn thương bờ dưới của hốc mắt và mặt trên của xoang hàm trên bên phải. Tuy nhiên, khá may mắn là viên bi chưa làm tổn thương nhãn cầu nên bé vẫn có thể phục hồi thị giác. Ê kíp phẫu thuật tiến hành mổ hở một đường dài gần 4 cm ở bên dưới nhãn cầu, lấy ra viên bi, vốn là loại bi thủy tinh trẻ em hay dùng để chơi bắn bi, đường kính 15mm. “Trong quá trình mổ, chúng tôi sợ nhất là tình huống viên bi lọt vào xoang hàm trên” – bác sĩ Thái cho biết. Ê kíp đã lấy viên bi ra hết sức cẩn trọng và may mắn là điều họ lo lắng đã không xảy ra.

Viên bi (chấm to màu trắng) trên kết quả chẩn đoán hình ảnh.

Viên bi (chấm to màu trắng) trên kết quả chẩn đoán hình ảnh.

Loại “súng cồn” gây tai nạn cho cháu bé vốn là một loại súng tự chế, dùng để bắn chim, bắn chồn và từng được các phương tiện truyền thông cảnh báo về độ nguy hiểm. Chỉ cần vài đoạn ống nhựa, một bộ đánh lửa của bếp gas, ít băng keo, cồn 90 độ vài viên bi sắt xe đạp làm đạn và vài chi tiết nhựa khác là có thể tạo ra một khẩu súng tự chế. Bác sĩ Thái cho biết, theo ông tìm hiểu thì trên youtube còn có những đoạn clip chỉ cách làm loại súng tự chế này, trong khi mức độ nguy hiểm của nó rất lớn, có thể bắn xa 20-30m và khiến một con chồn chết tại chỗ. Tuy nhiên theo người nhà cháu bé, loại súng gia đình tự chế có thể bắn xa đến 100m.

Bé M. trong vòng tay cha và bác sĩ.

Bé M. trong vòng tay cha và bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, cho biết trong khi phẫu thuật, các bác sĩ lo lắng nhất là vỡ bờ xoang hàm, nên buộc phải có sự tham gia của bác sĩ tai mũi họng để sẵn sàng tái tạo bờ xoang hàm. Tuy nhiên sau khi lấy viên bi ra, chỉ thấy xoang hàm hơi bị lõm xuống, có vài tổn thương nhỏ khác ở mức chỉ cần điều trị nội khoa. “Cháu bé có tiên lượng phục hồi tốt” – bác sĩ Huy nhận định.

Anh Thư

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.