NSƯT Thanh Sang trong live show Làn điệu phương nam

NSƯT Thanh Sang trong live show Làn điệu phương nam

Phóng viên: Nhắc đến ông, khán giả nhớ những vai tuồng nổi bật như: Tạ Tốn (Cô gái Đồ Long), Long Hồ (Tuyệt tình ca), Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh), Lê Hòan (Thái hậu Dương Vân Nga)...và rất nhiều giai thoại đẹp về ông cùng với người bạn diễn quá cố: NSƯT Thanh Nga. Ngày sinh nhật 75 chắc chắn ông sẽ ca diễn lại các vai tuồng ưng ý này?

NSƯT Thanh Sang: Tất nhiên đó là các vai diễn tôi yêu thích và tâm đắc.Tôi rất ít khi tổ chức sinh nhật, nhưng năm nay bà xã tôi muốn được tổ chức để gặp gỡ các nghệ sĩ đồng nghiệp. Tôi chưa chọn ngày vì có nhiều dự tính. Tất nhiên nếu làm đúng ngày sinh nhật của tôi thì quá xa, đến 24-12 tức giáng sinh, mà sức khỏe của tôi bây giờ rất tốt, tôi đang hăng lắm nên cứ chọn năm đánh dấu 75 mùa xuân đã trôi qua trong đời người. Tôi tính làm sớm hơn là vậy.

Cách đây không lâu, gặp ông trước khi vòng chung kết giải Trần Hữu Trang được tổ chức tại rạp Hưng Đạo, anh cho biết nhiều người bạn đã nhắc đến tên nghệ sĩ Vương Sang, một anh kép trẻ của Đoàn cải lương Long An có giọng ca khá giống anh. Có thể nói rất hiếm người có chất giọng giống anh. Anh nghĩ gì về việc tìm kiếm hậu duệ của Thanh Sang trong sự nghiệp nghệ thuật của mình?

- Tôi đã tranh thủ xem cho bằng được tiết mục dự thi của NSƯT Tuyết Ngân với trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh” mà Vương Sang phụ diễn với vai Thi Sách. Quả thật không ngoa, đã có một Thi Sách của Vương Sang hào hùng, mạnh mẽ, hỗ trợ thật đắc lực cho lớp diễn tế sống chồng của Trưng Trắc – Tuyết Ngân. Tôi xem lớp diễn này thấy nhớ bạn diễn Thanh Nga quá. Tuyết Ngân và Vương Sang quả là một đôi bạn diễn ăn ý, giống như ngày xưa tôi và chị Thanh Nga đã từng được khán giả yêu mến qua "Tiếng Trống Mê Linh", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Bên cầu dệt lụa" ... mang lại cho đoàn Thanh Minh làn sóng cỗ vũ của khán giả hâm mộ cải lương. Còn nói về hậu duệ, tôi tin đó là duyên số của người nghệ sĩ. Vì chất giọng bẩm sinh của từng người khác với việc cố tình bắt chước. Vương Sang ca diễn rất giống tôi, em không cố tình, chỉ mong là em sẽ có thật nhiều vai diễn mới để thoát khỏi cái bóng của tôi. Làm nghệ thuật nhất là theo bộ môn cải lương mà mãi mãi là cái bóng của người khác thì sẽ rất buồn. Như anh Phương Quang ca ban đầu rất giống cậu Mười Út Trà Ôn, nhưng rồi sau đó anh ấy đã biết cách thoát khỏi bằng cách sáng tạo cách ngân, luyến và đổ hột trong giọng ca để khán giả nhớ về Phương Quang. Sau khi xem Vương Sang, tôi đặt tin yêu vào những diễn viên trẻ. Họ chính là thế hệ đàn em đang tiếp nối thế hệ đi trước một cách vững vàng trên con đường nghệ thuật.

NSƯT Thanh Sang và NS Cẩm Thu, Vân Hà trong vở Cô gái Đồ Long

NSƯT Thanh Sang và NS Cẩm Thu, Vân Hà trong vở "Cô gái Đồ Long"

Mỗi vai diễn của ông đều có bí quyết để thành công? Ông tìm kiếm chất liệu từ đâu?

- Tôi quan sát cuộc sống, lắng nghe những góp ý của người đi trước. Đồng thời quan trọng hơn chính là tạo đối thủ cho mình. Nghề diễn viên sân khấu ngộ lắm, nếu tự mãn sẽ tự giết mình, nên phải biết chọn đối trọng để vượt lên. Cần nhất là phải sống một cách sâu sắc, không thể bàng quan với những vấn đề xã hội, phải biết đau đáu cái chung, biết cảm nhận và chia sẻ, còn hời hợt thì sẽ không diễn sâu được. Bởi vì thế nên có câu nói trong nghề rằng cho tôi xem bạn diễn, tôi biết bạn sống như thế nào. Xem mấy bạn diễn viên trẻ diễn các trích đoạn nổi tiếng như: “Tiếng trống Mê Linh”, “Hòn vọng phu”, “Lý Chiêu Hoàng”... tôi nôn nao nhớ lại những kỷ niệm của thời trai trẻ. Các lớp diễn tuy mang tính chất tự sự nhưng được xem là những độc đáo nhất góp phần tô đậm tính cách và sự quyết liệt của người diễn đối với nhân vật. Tôi khá bất ngờ trước giọng ca của Vương Sang, Anh Thư, Quỳnh Hương, Tuyết Ngân, Lê Tứ.... Thú thật cách đây không lâu, có một thí sinh của cuộc thi Bông lúa vàng do Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức có lối ca giống tôi lắm. Em tên là Hoàng Tấn, đang công tác tại ngành Tòa án, nhưng tôi tiếc là em chỉ dừng lại ở một cuộc thi ca cổ, chứ chưa thật sự gắn bó với sân khấu chuyên nghiệp. Sau này được biết em phụ trách CLB Đờn ca tài tử của TTVH TPHCM, tôi rất vui.

NSƯT Thanh Sang trên sàn tập với NS Cẩm Thu, Hồng Nga

NSƯT Thanh Sang trên sàn tập với NS Cẩm Thu, Hồng Nga

Bản thân ông khi vào nghề có nhiễm cách ca diễn của thần tượng nào? Và bằng cách nào ông đã khẳng định được vị trí của mình trong nghề?

- Thật sự là một diễn viên trẻ ai cũng có thần thượng để theo đuổi. Tôi cũng vậy, nhưng tôi có nhiều cố gắng trong cách tạo cho mình phong cách diễn xuất nội tâm. Tôi rất hâm mộ giọng ca NSND Út Trà Ôn với các bài vọng cổ “Sầu vương biên ải”, “Tấm lòng hiếu tử”… và học ca cho giống thần tượng của mình. Sau nhiều năm, tôi không dừng lại ở đó mà tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu và học hỏi để gom nhặt từng cách ngân, cách luyến láy và lối sắp chữ của anh Hữu Phước (bài “Nắm xương tàn”), Minh Trí (“Nguyễn Huệ chống xâm lăng”), Thanh Nhàn (“Người chồng đau khổ”), Thanh Sơn (“Người yêu nay đã có chồng”)...để nhân rộng hiệu quả nghệ thuật của mình. Với quyết tâm đó, tôi tự hào có một chất giọng riêng để ban tuyển chọn giải Thanh Tâm năm 1964 trao cho tôi HCV cùng với Lệ Thủy. Năm đó, công chúng yêu thích cải lương đã được cỗ vũ tôi với vai Tạ Tốn (trong vở "Cô gái Đồ Long" – gánh Dạ Lý Hương).

NSƯT Thanh Sang và NSƯT Thanh Thanh Tâm

NSƯT Thanh Sang và NSƯT Thanh Thanh Tâm

Thật hiếm có một nghệ sĩ nào quan tâm đến đàn em như ông. Trong nhiều năm qua khi sân khấu xuống dốc, dường như ông ít xuất hiện trên sàn diễn mà thỉnh thoảng chỉ quay cải lương video. Vở diễn gần đây nhất ông tham gia trên sân khấu là kịch bản "Đời cô Lựu". Trong vở, ông đóng vai Võ Minh Thành, một thầy giáo nghèo bị bọn địa chủ gài vào cạm bẫy, để cướp vợ, giết con và đẩy nhân vật vào cảnh lao tù. Nói về vai diễn này, ông có kỷ niệm nào khó quên?

- Tôi có rất nhiều kỷ niệm đối với nhân vật này. Thứ nhất, nó hợp với cá tính chịu đựng của tôi. Thứ hai, đó là vai diễn xuất hiện bên cạnh các ngôi sao sáng của sân khấu miền Nam: Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Tòng, Diệp Lang, Lệ Thủy, Minh Vương, Bảo Quốc...Họ đã từng đem vở “Đời cô Lựu” sang Tây Âu, từng làm rạng danh nghệ thuật cải lương trên xứ người. Để từ đó, mở rộng sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước. Còn một ý nghĩa nữa, đó là chủ đề và tính nhân bản của vở “Đời cô Lựu”, nó gióng lên hồi chuông đầu tiên của giai cấp công nông muốn vươn lên đập phá xiềng xích, lao tù để cứu lấy đời sống nhân dân đang bị lầm than dưới hai tầng áp bức của thực dân và địa chủ. Khi diễn vai này tôi xúc động lắm, nhất là thấy khán giả dẫu đã thuộc lòng nội dung nhưng vẫn đến xem đầy rạp. Tôi hạnh phúc vì chương trình Sân khấu Vàng của Minh Vương, Lệ Thủy đã kịp thời thực hiện công việc bảo lưu những vở diễn giá trị, để thế hệ trẻ có dịp hiểu biết và trân trọng truyền thống nghệ thuật mà sân khấu cải lương hơn 80 năm qua đã tạo dựng.

 NSƯT Thanh Sang vai Trần Minh (Bên cầu dệt lụa)

NSƯT Thanh Sang vai Trần Minh (Bên cầu dệt lụa)

Cuộc sống của ông hiện nay như thế nào?

- Tôi có một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc. Nhà tôi hiện nay vẫn ở khu vực cầu Bình Triệu, nơi có một vườn cây xanh um tùm thơm ngát hương hoa. Nhiều năm rồi tôi tích cực làm công tác từ thiện, vận động nhiều nghệ sĩ, mạnh thường quân tổ chức biểu diễn văn nghệ để ủng hộ đồng bào nghèo. Các con tôi nay đã lớn khôn, tuy chẳng có ai theo nghề của cha nhưng đều biết quý trọng sân khấu, nơi là thánh đường của gia đình, đã nuôi sống chúng trưởng thành. Tôi đã từng được đóng cặp với nhiều cô đào chánh qua gần 100 vở tuồng. Tôi thực sự hài lòng với những gì mình đang có. Sẽ bi kịch nếu mình tự vẽ nên một thế giới hạnh phục ảo và sẽ khó thay đổi được điều gì nếu cứ mơ mộng, ôm ấp hoài bão không thực tế.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.