Nhận thấy du lịch đang là thị trường tiềm năng của nghệ thuật biểu diễn, nhất là khi thị trường biểu diễn trong nước đang trong tình trạng đóng băng, nhiều công ty tổ chức biểu diễn xoay sang đầu tư kinh doanh sản phẩm giải trí phục vụ du khách.

Thay đổi tư duy

Câu chuyện cổ tích quen thuộc Sơn Tinh - Thủy Tinh sẽ được dàn dựng thành chương trình biểu diễn tạp kỹ với các thể loại ca - kịch - xiếc - võ thuật... để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Chương trình này do một đơn vị kinh doanh nghỉ dưỡng phức hợp tại Việt Nam đặt hàng.

Đạo diễn Thái Huân, người vừa nhận được đơn đặt hàng, cho biết ý tưởng thực hiện các chương trình giải trí cho du lịch được chính các đơn vị kinh doanh du lịch chủ động đặt hàng để phục vụ khách hàng của họ. Cơ quan quản lý chức năng cũng ủng hộ cách làm này.

Đầu tư sản phẩm nghệ thuật giải trí cho du khách là nhu cầu của cả ngành du lịch và giới hoạt động biểu diễn. Ngành du lịch cần có sản phẩm để bán cho khách hàng còn giới biểu diễn cần có thêm thị trường khai thác, nhất là khi sân khấu biểu diễn đang ế ẩm. Thế nhưng, sản phẩm cho thị trường này quá ít ỏi, nghèo nàn, thậm chí nhàm chán.

Cảnh trong vở kịch xiếc “À ố show”, một trong những chương trình biểu diễn phục vụ du khách rất thành công. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Cảnh trong vở kịch xiếc “À ố show”, một trong những chương trình biểu diễn phục vụ du khách rất thành công. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Nghệ thuật - Sân khấu Thái Dương), tỉ suất người xem trung bình của các chương trình nghệ thuật chỉ đạt mức 4/100 du khách đến TP HCM. Đơn giản vì tiết mục hầu hết đơn điệu, tẻ nhạt; các chương trình nghệ thuật đang giới thiệu không phù hợp thị hiếu và sở thích của du khách.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, một trong những người tâm huyết với ý tưởng làm mới sân khấu du lịch, chia sẻ: “Việt Nam đang dư thừa những sân khấu du lịch theo hình thức giới thiệu văn hóa truyền thống nhưng lại thiếu những chương trình tạp kỹ phục vụ mọi đối tượng công chúng như nước ngoài đang làm. Đó là lỗ hổng lớn vì không phải du khách nào cũng có hứng thú với các chương trình văn hóa truyền thống trong khi họ lại hào hứng với những chương trình biểu diễn hiện đại, những chương trình tạp kỹ đề cao yếu tố giải trí”. Đạo diễn Thái Huân cho rằng: “Thái Lan có rất nhiều chương trình biểu diễn cực kỳ hấp dẫn dành cho khách du lịch. Còn chúng ta đang bị ám ảnh bởi yếu tố truyền thống dân tộc mà không xét đến các yếu tố thời đại, mặt bằng văn hóa và sở thích của du khách, mỗi đối tượng du khách có nhu cầu khác nhau. Tham vọng của chúng tôi là xây dựng nên những chương trình đặc thù từ những câu chuyện gắn liền với người Việt nhưng chuyển tải bằng ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại và đậm chất giải trí hơn”.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, nêu quan điểm: “Thực tế, sản phẩm văn hóa du lịch của mình còn thiếu nhiều nên cá nhân tôi rất ủng hộ những chương trình có sức hút kiểu như các chương trình tạp kỹ ở Las Vegas - Mỹ. Vì thực tế, sân khấu du lịch của chúng ta cần phải có những chương trình dạng này để đa dạng hơn”.

Khó khăn trăm bề

Giới kinh doanh du lịch cho rằng xây dựng các chương trình đậm chất giải trí để phục vụ đối tượng thưởng thức rộng hơn trước đây là điều cần thiết khi các chương trình giới thiệu văn hóa truyền thống như nghệ thuật hát bội, múa cung đình Huế, hát chầu văn - hầu đồng hoặc hát văn, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, múa rối nước... có phần hạn chế đối tượng người xem. Thậm chí, với các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách định kỳ được xã hội hóa và được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật như “À ố show” của Công ty CP Giải trí Làng Phố, “The Amazing Việt show” của Công ty The Vshow, “Sương sớm” của Arabesque... nhưng cũng là một thử thách với nhiều du khách khi nó đòi hỏi người xem phải có trình độ nhất định mới tiếp thu thấu đáo thông điệp của vở diễn.

Hình thức sân khấu du lịch mới mẻ này chủ yếu do tư nhân đầu tư nhưng cái khó nhất không phải là vốn mà là TP HCM không có nhà hát biểu diễn, đặc biệt nhà hát chuyên dụng cho chương trình tạp kỹ để trình diễn hằng đêm lại càng khó. NSND Đặng Hùng cho biết hiện Nha Trang, Đà Nẵng đã có những nhà hát lớn với chương trình nghệ thuật đỉnh cao, thu hút nhiều nhân tài nghệ thuật của TP HCM về biểu diễn; thù lao hậu hĩnh. Trong khi TP HCM là cái nôi đào tạo nghệ sĩ lại phải khoanh tay đứng nhìn.

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Nếu sân khấu giới thiệu văn hóa truyền thống đơn thuần chỉ cần dàn dựng tươm tất, đúng chuẩn mực truyền thống, không cần hoành tráng thì sân khấu giải trí, cần đa dạng phong phú và cần đầu tư lớn, lâu dài. Cái này rất khó vì ngay cả những chương trình ở Las Vegas phải nhờ có sự hỗ trợ của các ông chủ casino. Vấn đề lớn nhất là nguồn nuôi cho các sô diễn đó tồn tại là quá khó. Một chương trình không có tính thương mại thì tư nhân không đầu tư”.

Nếu không có sân khấu đủ rộng để biểu diễn, khả năng thu lãi của chương trình cũng sẽ không cao. Khi đó, các nhà đầu tư phải xem xét kỹ hơn quyết định đầu tư của mình. Vậy nên, dù nhiều đơn vị hào hứng trong các dự án sân khấu du lịch; cơ quan chức năng khuyến khích nhưng có đi được đường dài hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Định hình theo cách làm của Thái Lan

Ở Thái Lan, các chương trình biểu diễn cho du khách cực kỳ thú vị bởi tính giải trí cao. Nanta Show (khoảng 100 phút kể về câu chuyện ba người đầu bếp cố gắng hoàn thành công việc) rất thu hút bởi nhiều tiết mục nhào lộn, ảo thuật, hài kịch và hấp dẫn hơn cả là âm thanh sinh động từ những dụng cụ làm bếp. Các chương trình giải trí đặc sắc như “Alcazar Show”, “Tiffany Show”, “Simon Cabaret Show” hay “Phuket Fantasea” đều là chương trình tổng hợp gồm ca, múa, nhạc, kịch diễn ra trong khoảng 90 phút với màu sắc và trang phục rực rỡ của các diễn viên. Những chương trình tạp kỹ xây dựng cho sân khấu du lịch trong tương lai cũng được định hình theo hướng đi này để đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng và phong phú của du khách khi đến Việt Nam.

Thùy Trang

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.