Những tên tuổi quen thuộc nhưng lại rất mới mẻ bởi được kiến giải từ đôi mắt và ngọn bút luôn kiếm tìm, phát hiện những cái thanh tân. Tập sách này cũng thể hiện tài năng đa diện của Nhật Chiêu: khảo cứu, dịch thuật, sáng tác - tất cả được kết tụ, hòa quyện vào nhau. Cái hay, cái đẹp về ý tưởng, cấu tứ cho đến ngôn từ được thể hiện từ những nhan đề: Cảm thức “buồn trông” trong “Truyện Kiều”, “Những con sóng và chốn bình an”, “Ngồi nhìn mây trắng mọc”, “Như một chiếc thuyền không”, “Nghe tiếng vượn trầm”, “Xoay mình một cái thong dong”, “Đường hoa bên nắng bên râm”, “Đi giữa cõi sen hồng”, “Ai nói cười trong mây biếc”, “Rơi một hồi chuông”, “Người về với Như”...

“Người về với Như”, về cùng diễm tuyệt

Nhật Chiêu khám phá ra nhiều vẻ đẹp của thơ ca Việt Nam, bằng hình thức mà ông gọi là “tương chiếu”, ánh chiếu nhau, hay mượn ngọn lửa của văn chương xứ người để soi sáng cho văn chương xứ Việt, vượt qua cả không gian và thời gian. Ở đó, Nguyễn Du được Tuệ Trung của Việt Nam, Silessius và Holderlin của Đức, Vương Duy, Thôi Hiệu và Trương Duyệt của Trung Quốc, Han Yong-un của Hàn Quốc, Issa và Ikkyu của Nhật, Walt Whitman của Mỹ, Tarot của phương Tây soi sáng, làm bật lên “tiếng cười mang thinh không, bay suốt thiên thu”, “giải thoát cho sự vật”, “thâm trầm hơn giọt lệ” trong thơ chữ Hán và hé mở cái “buồn trông” “vừa hướng ra ngoài vừa vọng vào trong” nhưng “ít bóng tối”, “nhắm hướng cái đẹp mà đi”. Tuệ Trung Thượng Sĩ được sư Thường Chiếu của Việt Nam, Yajin và Shurin của Nhật Bản, Trang tử, Vương Duy, Sư Giới, Vương Xương Linh, Lý Bạch, Đỗ Phủ và Tạ Tam của Trung Quốc, Tagore của Ấn Độ soi sáng, làm lộ ra “hình ảnh một khách trần đang chơi, phiêu bồng với sóng”, “hình bóng Tuệ Trung như một cánh chim bay lượn trong khói sương trên nước, ngây ngất tiêu dao”, làm phát ra “âm thanh của đáy sâu”, “cái nguyên thanh của tâm hồn” trong thơ Trần Tung.

Nguyễn Trãi được Vương Bột, Vương Duy, Đạo Nguyên, Lý Bạch của Trung Quốc, Nangai, Buson, Sesshi, Ryokan, Issa, Boncho, Shiki, Ryoroku, Kikaku, Sodo, Takakocủa Nhật, Bettt Drevniok và George Swede của Mỹ soi sáng, cho chúng ta thấy được “những chiêm bao tan vỡ và hình thành liên tục”, “cái nghi ngút mênh mông”, nghe được “tiếng nói cười trong mây biếc”, cảm nhận được “cái đẹp của hương và bóng” trong thơ Ức Trai. Hồ Xuân Hương được sư Thiền Lão của Việt, Hwang Chin-I của Hàn, Sei Shonagon của Nhật, Emily Dickindson của Mỹ soi sáng, làm ta có cái nhìn nhất nguyên về nghệ thuật nhị phân “cung Ma và cõi Phật”, “bóng tối” và “ánh sáng”, “vũng tang thương” và “mùa xuân cực lạc” cùng “cái nhan sắc” như “cái gì đó cụ thể, trần thế, va chạm” trong tác phẩm của Bà chúa thơ Nôm...

Có thể nói Như trong sách này là cái Đẹp, “Người về với Như” cũng là về với cái đẹp nguyên lành, thuần khiết, như thơ như ngây mà đầy quyến rũ. Nó khiến những ai chưa từng yêu văn chương xứ ta cũng phải tự vấn mình, còn những ai đã yêu lại càng thêm đắm đuối. Tập sách còn mang vẻ đẹp thanh nhã bởi ngoài ảnh bìa đẹp như tranh và bên trong điểm xuyết bằng một số kiệt tác tranh Haiga của Nhật mang cái đẹp đặc hữu “giản ước, ẩn giấu và trống vắng” trong sự tương chiếu với thơ haiku của Issa, Shiki, Chora.

CỔ MỘ

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.