Vào ngày Valentine 14-2 vừa qua, Sân khấu Hoàng Thái Thanh (HTT) tròn 7 tuổi. “Buổi lễ” mừng sinh nhật đã diễn ra đơn sơ, giản dị nhưng thật ấm cúng và nhiều cảm xúc trong khoảng vài chục phút trước giờ mở màn suất tối vở “Mơ trăng bóng nước”.

Mắt lệ cho... nghề

Trong không gian nhỏ hẹp của tiền sảnh rạp hát là một cuộc sắp đặt nghệ thuật nhiều dụng ý: nơi này là “tủ sách” gồm những bài báo và hình ảnh về Sân khấu HTT, được đóng thành nhiều cuốn bọc nhựa trang trọng và kỹ lưỡng; góc kia là cái “chợ nổi” với chiếc ghe hàng xén gợi nhớ hình ảnh chiếc ghe tát nước “da diết” mấy mươi năm của người phụ nữ tên Thà trong vở “Bao giờ sông cạn”.

Cảnh trong vở “Rau răm ở lại” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh. (Ảnh do sân khấu cung cấp)

Cảnh trong vở “Rau răm ở lại” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh. (Ảnh do sân khấu cung cấp)

Song, mặt hàng để mời khách buổi ấy là món sương sâm “dzò bằng tay” dân dã - một chi tiết lấy ra từ vở “Mơ trăng bóng nước” vừa ra mắt trong dịp Tết Đinh Dậu. Chỉ bấy nhiêu thôi đã cho thấy sự nghiêm cẩn dành cho nghệ thuật và sự tôn trọng dành cho khán giả của Sân khấu HTT.

Những cảm xúc ban đầu ấy càng trào dâng khi mọi người vào bên trong nhà hát, bắt đầu cho cuộc giao lưu bỏ túi. Khán phòng không còn một chỗ trống, nhiều hàng ghế “xúp” được kê thêm, dãy ghế ở tít hàng cuối vốn dành cho diễn viên cũng được trưng dụng. Dường như tất cả khán giả mộ điệu khắp nơi đều cố gắng có mặt để chung vui với sân khấu thân thương của mình. Có người từ Tây Ninh phải đón xe từ trưa, có người bắt xe buýt từ Củ Chi hay Biên Hòa. Một anh thanh niên cho biết nhà ở Thủ Đức giáp ranh Long Thành, mấy ngày trước gọi nhiều lần không còn vé vẫn cứ liều đi, kiên nhẫn chờ hàng giờ để được vào dự.

Trước tình cảm dạt dào của khán giả, 2 ông bà bầu là nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như gần như nước mắt lưng tròng suốt buổi giao lưu. Thế nhưng, Giám đốc Sân khấu HTT - NSƯT Thành Hội cũng chỉ dám mong một cách khiêm tốn là được gặp lại mọi người như hôm ấy vào lần sinh nhật thứ 8 bởi anh quá thấm thía những khó khăn mà HTT đã và đang phải trải qua. Những ai đã yêu HTT là yêu say đắm nhưng số khán giả này chưa thật đông đảo, chưa đủ để nuôi sống quanh năm những người làm nghề ở đây. Năm nào, 2 nghệ sĩ sáng lập này cũng phải chia nhau châm tiền nhà bù lỗ. Vì vậy, NSƯT Thành Hội luôn thẳng thắn trả lời giới truyền thông: “Khi nào hết tiền thì nghỉ”.

Trước Tết Đinh Dậu, theo kế hoạch cũng như có được sự thỏa thuận, Sân khấu HTT đã đóng gói hết đồ đạc chuẩn bị dọn về “ngôi nhà” cũ là Nhà Thiếu nhi TP HCM sau 2 năm đi ở nhờ Nhà Thiếu nhi quận 10. Thế nhưng, phút cuối lại trục trặc không về được vì còn phải chờ công trình sửa chữa nơi này được nghiệm thu.

Nghệ sĩ Ái Như đã khóc tức tưởi, tưởng như thân hình nhỏ bé của chị không còn chút sức lực nào nữa. Chị nói đồ đạc, trang thiết bị sân khấu tháo xuống 2 ngày nhưng lắp lên lại phải mất 20 ngày, trong khi Tết đến chỉ còn dăm ba bữa, vở dựng để ra mắt chỉ mới chạy đường dây, chưa kịp hoàn thiện. May mà Nhà Thiếu nhi quận 10 vẫn mở rộng vòng tay đón trở lại và cả đội ngũ cùng dốc tâm lao vào làm không kể ngày đêm mới có thể “tái lập hiện trường” kịp để chào đón khán giả đúng ngày đầu Xuân.

Đừng từ biệt khán giả nghe em!

Đạo diễn Việt Linh là một phụ nữ tài năng. Sau một thời gian dài phải chia tay nghề đạo diễn điện ảnh vì sức khỏe không cho phép, chị đã mở Sân khấu Hồng Hạc để tiếp tục thể hiện những khát vọng mang đến cho công chúng những món ăn tinh thần bổ ích. Điều đáng nói là chị lao vào sân khấu giữa lúc các sàn diễn đang thoái trào khiến cho không ít người lo ngại.

Thế nhưng, hơn 1 năm qua, từ khi được chính thức thành lập, Sân khấu Hồng Hạc với tiêu chí “tiếp cận văn học và điện ảnh nhất có thể” đã tạo được một lối đi riêng. Hồng Hạc đã cho ra đời những vở kịch mang nhiều chất suy tư chiêm nghiệm, gửi theo những thông điệp giúp con người ta biết sống tốt, nhân văn hơn.

Hồng Hạc là sân khấu kịch duy nhất hiện nay giúp khán giả “dọn mình” trong sạch, rũ hết “bụi trần” để tâm hồn thơ thới, chuẩn bị bước vào không khí “thánh đường sân khấu” bằng những nhạc phẩm cổ điển sang trọng qua sự trình bày của các nghệ sĩ dương cầm, vĩ cầm. Các kịch bản ở đây hầu hết đều do Việt Linh viết hoặc chuyển thể nên tính văn học được xem là đã góp phần rất lớn trong việc tạo nên hiệu quả cho các vở diễn. Khán giả không nhiều vì khán phòng nhỏ hẹp, chỉ 162 ghế, dòng kịch đòi hỏi người xem phải có nhận thức nhất định nhưng phần đông khán giả đến xem lần đầu đều thú vị với cảm giác khác lạ, mới mẻ.

Vậy mà mới đây, Sân khấu Hồng Hạc đã đăng thông báo tạm biệt: “Do không thích ứng với nội dung hoạt động mới của Trường Múa TP HCM, ngày 15-3-2017, Sân khấu Hồng Hạc sẽ không còn đóng đô ở địa chỉ... Mọi hoạt động sẽ tạm hoãn đến khi có địa điểm mới”. Đọc thông báo, khán giả T.V.L ở quận 9 viết thư gửi bà bầu Việt Linh: “Tin này làm anh buồn héo ruột. Không phải buồn vì em và nhóm từ giã Trường Múa TP HCM mà vì thấy làm nghệ thuật chân chính nhiều lúc sao lận đận quá. Em chào tạm biệt Trường Múa TP HCM nhưng đừng từ biệt khán giả quý trọng nghệ thuật chân chính, nhân văn và sâu sắc của Hồng Hạc group nghe em!”.

Có lẽ lời nhắn gửi của khán giả T.V.L cũng là nguyện vọng của những người yêu kịch Hồng Hạc. Nghe đâu Trường Múa TP HCM lấy lại mặt bằng để cho nhóm khác thuê với giá cao hơn. Không thể trách Trường Múa TP HCM vì họ có những lý do riêng, chỉ buồn vì những người làm nghệ thuật tâm huyết phải chịu đặt lên bàn cân của thương trường.

Những ngày này, nếu đến xem kịch ở Sân khấu Hồng Hạc, khán giả sẽ được nghe những câu đại loại như suất diễn cuối cùng, lần gặp cuối cùng... vì chính những người cầm trịch sân khấu này cũng chưa biết phải đi đâu, về đâu sau ngày 15-3!

Kỳ tới: Cần “bàn tay” nâng đỡ

Kịch “sạch” hiếm hoi

Trên Facebook, tình cảm của người xem vẫn luôn được bộc lộ qua những dòng tâm sự. Bạn Phạm Lâm Duy Anh viết: “Xin cảm ơn sân khấu đã cho mình một buổi chiều chủ nhật thật ý nghĩa với “Rau răm ở lại”. Ba tiếng đồng hồ không phí một giây nào”.

Thầy Trần Đình Phú, Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, tâm sự: “Chúng tôi đã tham khảo rất nhiều và quyết định chọn những vở diễn của HTT cho các em học ngoại khóa. Đây là sân khấu có những vở chính kịch nội dung gần gũi với đời sống thường ngày, mang nhiều thông điệp ý nghĩa, được dàn dựng nghiêm túc và diễn viên diễn xuất rất chân thật. Tất cả điều đó đáp ứng tiêu chí chọn tác phẩm cho các em học ngoại khóa môn văn của nhà trường”.

Còn đây là mong muốn của bạn Nguyễn Kim Trường: “Sân khấu HTT là một trong ít ỏi đơn vị dựng chính kịch, kịch “sạch” trong bối cảnh hài nhảm, kịch vớ vẩn đang làm mưa làm gió. Tôi rất quý và hy vọng có dịp cộng tác với HTT bởi tôi đang ấp ủ ước mơ làm những tác phẩm sân khấu đúng nghĩa “nghệ thuật vị nhân sinh”…

Cát Vũ

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.