Đêm 26-10-2016, cậu bé H.V.N.M (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện (BV) Thống Nhất gần nhà. Cháu vẫn tỉnh và cố nói với bác sĩ: “Con đau bụng, đau ngực quá! Cứu con!”.

“Tôi rụng rời, không còn cảm thấy mình là một bác sĩ (BS) nữa. Tôi như là cha, là ông của cháu. Tôi phải cứu cháu và rất lo không biết cứu được không. Cháu đang nằm trên vũng máu với những vết thương quá nặng” - ThS-BS Trần Văn Sơn, Trưởng Khoa Ngoại tim mạch - lồng ngực BV Thống Nhất, kể lại.

Vị BS dày dạn kinh nghiệm này nhanh chóng phát hiện tổn thương thủng phổi đang đe dọa tính mạng bé M. Nhưng BV Thống Nhất không hề có chuyên khoa nhi, đồng nghĩa là không có ai quen với phẫu thuật cho một bệnh nhân nhỏ xíu như vậy và không có cả các dụng cụ thật sự phù hợp.

 Bé Nguyễn Hữu Quốc Huy

Bé Nguyễn Hữu Quốc Huy

May mắn đã xuất hiện. GS-TS-BS Nguyễn Đức Công, Giám đốc BV, dù không phải ca trực nhưng vì một số việc đột xuất nên đã trở lại BV giữa đêm. Một phút hội chẩn. Họ đồng tình rằng không thể chuyển viện vì rất nguy hiểm cho bệnh nhi. Quy trình báo động đỏ liên viện được khởi động.

Đúng khoảnh khắc đó, BS Đào Trung Hiếu - Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, một trong những phẫu thuật viên nhi khoa nổi tiếng nhất TP HCM - đang bắt taxi chuẩn bị cho một chuyến đi thì nhận được cuộc gọi của GS Công. Chiếc taxi chuyển hướng về phía cậu bé đang trong cơn thập tử nhất sinh. BS Trần Văn Sơn không thể quên lúc đồng nghiệp xuất hiện trong phòng phẫu thuật: “Tôi chợt thấy vững tin. Tâm trạng lo lắng trước đó bỗng được xua tan”. Vị trí chủ trì ca mổ nhanh chóng được giao cho BS Hiếu, người chuyên về ngoại nhi. Trước đó, cháu M. đã được BS Sơn xử trí một số tổn thương nơi phổi để cầm bớt máu. Tuy nhiên, tình trạng xuất huyết còn nặng. BS Hiếu quyết định mở ngực và phát hiện thêm vết thủng nơi tâm nhĩ phải, máu đang tràn ra.

Nhiều ngày sau, báo chí còn nhắc đến cậu bé M. như là “bệnh nhi bị tai nạn nguy kịch nhất từ trước đến nay”. Nhưng đêm đó, dưới bàn tay của 2 phẫu thuật viên lão luyện, một ê kíp gây mê - hồi sức thành thục cùng nhiều BS, điều dưỡng khác đến ứng cứu sau hiệu lệnh “báo động đỏ”, cậu bé đã hồi sinh.

 Bé N.V.N.M

Bé N.V.N.M

“Khởi động” bằng một buổi diễn tập giữa BV Từ Dũ - BV quận 11 vào tháng 8-2016, “báo động đỏ liên viện” đã liên tục phát huy hiệu quả, nối tiếp những thành công từ quy trình “báo động đỏ nội viện” đã được áp dụng nhiều năm nay. Một trong những ca đáng nhớ nhất có lẽ là sản phụ N.T.H.T (20 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM). Chị T. cũng nhập viện tại BV Thống Nhất trong tình trạng nguy kịch do sản giật: hôn mê, sùi bọt mép, toàn thân co giật..., sau đó ngưng tim, ngưng thở. Là BV tuyến cuối, ê-kíp cấp cứu nơi đây đã không quá khó khăn để giúp hơi thở và những nhịp tim của chị bình thường trở lại. Tuy nhiên, sản phụ T. đang nguy kịch với đứa bé chỉ còn thoi thóp trong bụng. BV không có khoa sản, nhi. Khó khăn đè nặng lên các BS trực cấp cứu.

9 giờ 30 phút hôm đó, BV Hùng Vương tiếp nhận cuộc gọi của BV Thống Nhất yêu cầu hỗ trợ. “Suy nghĩ đầu tiên của tôi là phải vừa cứu được bà mẹ vừa cứu được em bé. Qua điện thoại, các đồng nghiệp của BV Thống Nhất thông báo rằng tim thai rời rạc. Có nghĩa, chúng tôi có thể mất bé bất cứ lúc nào” - BS Phạm Thị Hải Châu, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp cũng là một phẫu thuật viên sản khoa nhiều kinh nghiệm, kể lại.

Năm phút để sẵn sàng. Hầu hết quá trình hội chẩn, nắm bắt bệnh cảnh được diễn ra qua điện thoại, ngay trong khi xe chạy. Chỉ mất ít phút, chuyến xe cấp cứu ngoại viện đã “đổ bộ” BV Thống Nhất. Ca mổ lấy thai do BS Hải Châu chủ trì được diễn ra ngay lập tức. Các BS hồi sức nhi cũng nhanh chóng cứu cháu bé bị ngạt. Và kết quả của buổi sáng vất vả ấy là một bé trai 3,4 kg cất tiếng khóc chào đời. Sản phụ T. cũng nhanh chóng hồi phục và được xuất viện vài ngày sau.

Bé Dương Minh Phát - được cứu sống nhờ quy trình “báo động đỏ liên viện”

Bé Dương Minh Phát - được cứu sống nhờ quy trình “báo động đỏ liên viện”

Trong những ngày gần đó, “báo động đỏ liên viện” tiếp tục phát huy hiệu quả khi cứu lấy tính mạng một công nhân trẻ bị tai nạn lao động, vỡ gan, nhập viện ở BV quận 2. Dù xa xôi nhưng với những điều kiện thuận lợi nhất cho người làm nghề mà quy trình này mang lại, chuyến xe của BV Nhân dân Gia Định mang theo những BS chuyên khoa giỏi đã kịp tiếp cận và cứu sống bệnh nhân.

6-7 năm trước, lệnh “báo động đỏ” đã bắt đầu vang lên tại BV Nhi Đồng 1 - nơi cha đẻ của quy trình là TS-BS Tăng Chí Thượng đang làm giám đốc. Quy trình được hoàn thiện từng ngày với nhiều ca bệnh nhi được cứu sống ngoạn mục, rồi nhân rộng đến các đơn vị y tế khác. Vừa qua, với cương vị Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, TS-BS Tăng Chí Thượng cùng các đồng nghiệp đã mở rộng quy mô của “báo động đỏ nội viện” thành “báo động đỏ liên viện”.

Khi quy trình được khởi động, nhiều lằn ranh giữa các đơn vị y tế sẽ tạm dỡ bỏ, nhiều thủ tục được đơn giản hóa, nhân viên y tế sẽ có cơ hội tiếp cận bệnh nhân trong vài phút. “Báo động đỏ liên viện” được áp dụng ở những ca đa chấn thương nguy hiểm đến tính mạng, tai biến sản khoa nghiêm trọng, các trường hợp cần sự tham gia khẩn cấp của nhiều chuyên khoa. Lực lượng chủ yếu của quy trình là các BS chuyên khoa nhiều kinh nghiệm, phẫu thuật viên giỏi... được lựa chọn từ các BV lớn của TP. Trong trường hợp cần thiết, những nhân viên y tế khác cũng được kêu gọi hỗ trợ.

ANH THƯ

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.