Nguyễn Thụy Kha sinh ra tại Thái Bình nhưng quê gốc ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Đi bộ đội, 19 năm trong quân ngũ làm lính thông tin xuyên Trường Sơn, có mặt vào những năm tháng khốc liệt nhất ở thành cổ Quảng Trị đã biến chàng trai đất cảng trở thành chiến sĩ dày dạn.

Ông đến với âm nhạc từ rất sớm. Ca khúc đầu tiên ông viết tặng cho ngôi trường cấp 3 vào năm 1965: “Bài ca tự vệ trường Thái Phiên” vẫn còn được yêu thích đến giờ. Ông cũng có thử bút làm thơ nhưng không ưng ý lắm. May mắn là năm 1978, nhận được quyết định đi học lớp bồi dưỡng sáng tác nhạc rồi học khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du, nhờ vậy mà ông có điều kiện đi vào con đường sáng tác chuyên nghiệp ở cả hai lĩnh vực nhạc và thơ. Quan niệm của ông đơn giản: “Nếu anh sống bằng thơ, thơ anh chết; chỉ có chết vì thơ thì thơ mới sống suốt đời”, vì thế Nguyễn Thụy Kha cứ vô tư sáng tác.

Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và thủ bút bài “Không đề” ông viết tặng Báo Người Lao Động Xuân Đinh DậuẢnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN - LÊ CÔNG SƠN

Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và thủ bút bài “Không đề” ông viết tặng Báo Người Lao Động Xuân Đinh DậuẢnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN - LÊ CÔNG SƠN

Tính đến nay, ông đã có gần 2.000 bài thơ tình - một con số không hề nhỏ, thể hiện bút lực mạnh mẽ. Trong đó có một số bài tạo dư luận: “Không đề”, “Những giọt mưa đồng hành”, “Cởi”, “Đại đội đỏ”... Thơ của ông còn được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Mỹ, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha. Ông là người sống rất trọn vẹn khi xuất bản hẳn một số tập thơ dành riêng cho quê hương Hải Phòng: “Mẹ cửa biển”, với thủ đô Hà Nội đang sống: “Càn khôn ngàn tuổi”, với người vợ “đầu ấp tay gối”: “Hiền” và người nông dân: “Lúa tím”. Ông thích biệt danh Kha “lãng tử”. Lãng tử nhưng nhậu xong về nhà là... gác tay lên trán “gọi chữ nghĩa” về ào ào.

Nguyễn Thụy Kha còn tham gia viết lý luận âm nhạc và truyện ngắn với: “Đêm trăng muộn” (in Báo Văn nghệ), “Người lính của tôi” (tập truyện), “Cây lá đỏ”, “Ta lư”... được độc giả rất yêu thích. Năm 2014, ông cùng một năm đoạt giải thưởng cấp trung ương của Hội Nhà văn và Hội Nhạc sĩ mà trong lịch sử văn nghệ Việt Nam tới nay chưa ai cùng lúc được hai thành tích này.

2. Từng có lúc vào Sài Gòn sinh sống một thời gian nhưng hiện nay, Nguyễn Thụy Kha bám trụ luôn ở Hà Nội. Ông kể trước khi lập gia đình với vợ là bà Vương Thị Minh Hiền, ông có một mối tình đầu rất đẹp thời đi học ở Hải Phòng. Tên bà ấy là Lộc Sơn. Mặc dù sau này trở thành sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật thông tin liên lạc ở Hà Nội, đàn giỏi, hát hay, được nhiều cô gái để ý nhưng Kha “lãng tử” vẫn chung thủy với Lộc Sơn. Rảnh rỗi sinh... nông nổi, ông hay ngồi sáng tác nhạc tặng bà ấy, trong đó có bài “Chiều về”, ca từ da diết, cảm động.

“Tôi vẫn còn lưu giữ tất cả những gì bà ấy viết gửi vào mặt trận. Vâng! Không sót lá thư nào. Đó là tình cảm chân thành, sự quyết tâm chờ đợi ngày chiến thắng trở về đoàn viên của một người con gái có người yêu đang đối diện với sinh tử” - ông bồi hồi.

Tới năm 1973, Lộc Sơn nhận tin ông hy sinh tại Quảng Trị, bà khóc cạn cả nước mắt. Sau này, bà đi lấy chồng, ở Hà Nội và sinh được một cậu con trai. Nhiều lần Nguyễn Thụy Kha hỏi thăm, đi tìm nhưng bà vẫn giấu hết tung tích. Một lần đưa vợ về quê, trời mưa lâm râm ướt áo, hai ông bà dừng xe núp dưới bóng cây bên đường. Nhà thơ chỉ tay về ngôi làng có nhà của bà Lộc Sơn ngày trước cho vợ biết. Trong đầu ông khi ấy cấu tứ thơ bỗng bật ra tự nhiên: “Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Chợt thấy mình tách làm hai nửa/ Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa...”. Bài thơ ra đời được mọi người đón nhận, nổi tiếng như cồn nhưng Nguyễn Thụy Kha vẫn không biết bà Lộc Sơn đang ở đâu nên gặp ai quen ông cũng dò hỏi.

3.Cuộc đời như một định mệnh. Tưởng đã bế tắc, ai ngờ buổi sáng ở bờ Hồ, người bạn thân của ông vô tình bắt chuyện với một người đi tập thể dục lại là anh trai bà Lộc Sơn. Người bạn ấy liền gọi điện thoại báo cho Nguyễn Thụy Kha. Nhà thơ “Không đề” vội chạy đến nhà người yêu cũ. Và đôi tay ông run lập cập khi cầm tay bà. Một bóng hồng đã từng nhẹ nhàng đi vào biết bao bản nhạc và bài thơ của ông cả một thời hoa lửa vậy mà nay mới hội ngộ. Bà Lộc Sơn đã 70 tuổi, lưng còng, da mồi, tóc bạc trắng nhưng ông nhìn bà vẫn thấy thương như ngày nào...

“Đặc biệt là vợ tôi không bao giờ ghen tuông mà còn cất giữ, bảo quản cẩn thận những lá thư tình của bà Lộc Sơn. Tôi cảm ơn cuộc đời đã cho tôi tình đầu tuyệt đẹp và một tình cuối sắt son để làm thơ, làm nhạc. Có hậu phương vững chắc như thế, mới có Kha “lãng tử” 68 xuân xanh vẫn...say bia và men tình như thế này” - nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cười khà khà.

Hiện Nguyễn Thụy Kha đang cố gắng hoàn thành cuốn sách mới có nhan đề “Phạm Duy và tôi”, kể lại những câu chuyện xung quanh nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy và tác giả cùng 13 tuyển tập viết về chân dung các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam. Ông còn khoe Tết Đinh Dậu này, ca khúc “Xuân Tây Bắc” (phổ thơ Trần Đăng Khoa) đã dàn dựng xong, sẽ phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngày mùng 2. Hy vọng bài hát mới cũng sẽ được yêu thích như thi phẩm nổi tiếng “Không đề” mà ông từng trút hết tâm sự với nàng thơ Lộc Sơn, đã từng làm nao lòng biết bao người.

LÊ CÔNG SƠN

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.