Tập thơ thứ tư, “Chuyện của rêu” (NXB Hội Nhà văn, 2016) cho thấy rõ hơn độ chín về ngôn ngữ biểu đạt, tư duy.

Tác giả có những câu thơ đầy biểu cảm, phóng khoáng, hiện thực mà thấp thoáng siêu thực:

“Nhìn xuống dưới cơ man điều xưa cũ/ Đồng lúa nương ngô vá víu mái nhà/ Mẹ vá đời cha, chân trời vá biển/ Máu vá mồ hôi, cơm áo vá đời” (Đỉnh).

Qua rêu mà nói chuyện đời

Trần Kim Anh nói về người và nghề, về bút lực, sức sống trang viết, về nghĩa nhân mới bền chặt, rèn cho nên người, nên tác phẩm. Những câu thơ giản dị mà sâu sắc:

“Câu chữ có từ cho và nhận/ Tiếng cha gọi qua rào tiếng mẹ dặn trong sân/ Giọt máu biết im, hộp cơm biết nói/ Nhân nghĩa cho thì bút lực lớn dần” (Bút lực).

Với tập thơ này, chuyện của rêu là chuyện của đời sống, qua rêu mà nói chuyện đời. Là chuyện xưa nay, quen lạ. Là cái chân quê, lòng nhẫn nại, là sơn hà, cõi nhân gian… Những tự sự thầm kín, dịu dàng:

“Ừ lạ nhỉ/ Rêu hiền bên suối cỏ/ Có chi mà theo riết chuỗi ngày em/ Có chăng một lần em trượt ngã/ Rêu cúi mình nhận lỗi/ Thế rồi thôi” (Rêu).

Yêu thương nên mới nói với nhau những lời gan ruột. Qua thủ pháp thơ khá đắc dụng: thả vào đen đỏ/thả đời đen đỏ/ thả ngày đen đỏ, chị dặn dò những người nhặt than bỏ cờ bạc mà sống cần lao, làm trụ cột gia đình:

“Mình nhặt than rơi, nhặt đời than vãi/ Trống không mót than trống không quay lại/ Xin nắm tay - cày cuốc vá gia đình” (Vá gia đình).

Thơ Trần Kim Anh đậm bóng người cần lao và nặng tình với người cần lao:

“Con cúi lạy người bên kia thế kỷ/ Răng đen váy đụp bà nông dân/ Con đã đến đã qua bao màu phố/ Mà lòng năm tháng bậu quanh Người” (Bà nông dân của tôi).

Nhà thơ Trương Nam Hương cho rằng: “Thơ Trần Kim Anh tươi mới qua bút pháp thể hiện, giàu cảm xúc, chân thành và đặc biệt là tính nhân hậu. Đọc thơ chị sẽ thấy hiện rõ những chữ tình: Tình đất, tình người, tình quê hương lắng đọng”. Lần này, với “Chuyện của rêu”, tiếp nối một thành công của chị, giữ người yêu thơ ở lại lâu hơn trên trang viết, như nhà thơ Vũ Quần Phương từng nhận xét: “Câu thơ như có gai không tiện cho người ta ve vuốt nhưng nó móc vào trí nhớ”.

Việt Quý

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.