Tin NSND Thanh Tòng đột ngột qua đời khiến giới sân khấu cải lương và công chúng ái mộ bàng hoàng xúc động. Dẫu biết sức khỏe của ông trong những năm gần đây không được tốt vì bệnh xương khớp, nhất là bệnh tim mạch và chứng huyết áp cao nhưng ít ai ngờ ông lại ra đi sớm như vậy.

 NSND Thanh Tòng mất đi là tổn thất lớn cho sân khấu cải lương tuồng cổ

NSND Thanh Tòng mất đi là tổn thất lớn cho sân khấu cải lương tuồng cổ

NSND Thanh Tòng mất đi là một tổn thất lớn cho sân khấu nghệ thuật cổ truyền nói chung và loại hình sân khấu cải lương tuồng cổ nói riêng. Bởi lẽ, ông là vị thống soái của bộ môn sân khấu cải lương tuồng cổ duy nhất hiện nay.

Tác giả Lê Duy Hạnh, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho biết: “Năm 1954, cải lương phát triển mạnh ở miền Nam. Các nghệ sĩ: Minh Tơ, Bảy Sự, Khánh Hồng, Đức Phú theo nghệ sĩ Phùng Há học hát cải lương trong 3 năm 1954-1956. Sau đó, họ cho ra đời sân khấu hát bội pha cải lương. Từ sự động viên của các thế hệ nghệ sĩ đời thứ 2, thứ 3, đến Thanh Tòng là đời thứ 4, ông đã mạnh dạn sáng tác nhiều kịch bản lịch sử Việt Nam chống giặc ngoại xâm, tạo tiền đề cho kịch bản cải lương tuồng cổ đi vào cuộc sống”.

NSND Thanh Tòng được tôn lên vị thống soái của bộ môn sân khấu cải lương tuồng cổ qua 2 công trình lớn. Công trình đầu tiên là cuộc cải cách âm nhạc cải lương tuồng cổ, mạnh dạn loại bỏ những bài bản lai căng, pha trộn du nhập từ phim ảnh Trung Quốc được xem là ăn khách một thời để đưa vào những bài lý, bài bản cải lương rất Nam Bộ.

“Anh Năm của tôi đã đưa bài bản tài tử và các điệu lý hòa quyện với âm nhạc tuồng cổ, tạo sắc thái riêng. Dấu ấn đậm nhất là những vở do anh đạo diễn, đồng sáng tác vang bóng một thời như: “Câu thơ yên ngựa”, “Tô Hiến Thành xử án”, “Bão táp Nguyên Phong”, “Ngọn lửa Thăng Long”, “Má hồng soi kiếm bạc”, “Bức ngôn đồ Đại Việt”…” - nhạc sĩ Minh Tâm, em trai thứ 8 và là “thống soái âm nhạc tuồng cổ” hiện nay của gia tộc (Vĩnh Xuân - bầu Thắng - Minh Tơ), nhớ lại.

Công trình thứ hai mang đậm dấu ấn của NSND Thanh Tòng là nghiên cứu “Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ” - hệ thống hóa những tuồng tích, âm nhạc, mỹ thuật, phục trang và vũ đạo. Qua đó, các thế hệ con cháu sau này có cơ sở triển khai áp dụng trong sáng tác, giảng dạy, biểu diễn. 2/3 diễn viên đoạt HCV Giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức đều được NSND Thanh Tòng dìu dắt, chỉ dẫn để am hiểu tận tường và biết biểu diễn nghệ thuật cải lương tuồng cổ.

Thương tiếc NSND Thanh Tòng, NSND Bạch Tuyết xúc động: “Tôi quý mến tính cách và con người anh: nhiệt tình, yêu nghề và hết sức trách nhiệm. Khi đoàn nghệ sĩ cải lương sang châu Âu lưu diễn theo lời mời của Tổ chức UNESCO, anh đã đứng ra dàn dựng vở “Câu thơ yên ngựa” để chúng tôi cùng diễn. Khi nghệ sĩ Thành Được bỏ diễn vở “Đời cô Lựu”, anh phải thế vai và đã nỗ lực tập ngày đêm, rất lo lắng làm sao để hòa quyện với chúng tôi. Bởi lẽ, anh biết mình là nghệ sĩ tuồng cổ, lần đầu diễn tuồng xã hội, lại thế vai người anh tài hoa nên rất lo lắng”.

Từ Mỹ, NSƯT Ngọc Đáng gọi điện thoại về nghẹn ngào hồi tưởng: “Khi Thanh Tòng chưa đầy 30 tuổi, năm 1968, báo chí đã phong anh là “Vua cải lương Hồ Quảng”. Anh đứng ra lập ban cải lương Hồ Quảng Khánh Hồng - Minh Tơ, diễn hằng tuần vào thứ tư trên Đài Truyền hình Sài Gòn lúc đó. Những vở: “Phạm Lãi - Tây Thi’’, “Võ Tòng sát tẩu” được khán giả yêu thích. Nhiều nghệ sĩ như Bạch Lê, Thanh Thế, Bửu Truyện, Thanh Bạch, Hữu Lợi, Thanh Loan, Xuân Yến... và tôi được biết đến là những ngôi sao của loại hình nghệ thuật này. Các thế hệ nghệ sĩ cải lương tuồng cổ đều mang ơn anh, người thầy tuồng mực thước, người đạo diễn nghiêm khắc và một bạn diễn chỉn chu với nghề”.

Thắp nén hương tiễn biệt NSND Thanh Tòng, công chúng không bao giờ quên những vai diễn để đời, những tác phẩm lừng danh mà ông đã cống hiến cho sân khấu cải lương tuồng cổ.

Nghệ sĩ đa năng, toàn diện

NSND Thanh Tòng tên thật là Nguyễn Thanh Tòng, sinh năm 1948 tại Sài Gòn. Ông là nghệ sĩ thuộc thế hệ thứ tư; cha là nghệ sĩ Minh Tơ, ông nội là bầu Thắng và bà cố là bà bầu Vĩnh Xuân.

NSND Thanh Tòng theo nghề hát từ năm 3 tuổi. Đầu tiên, ông học hát bội, lên 6 tuổi đã diễn vở “San Hậu”. Sau đó, ông học ca diễn cải lương, tân nhạc, vũ đạo. Năm 10 tuổi, ông đã diễn vai Lữ Bố trong đoàn Đồng ấu Minh Tơ. Từ chiếc nôi này, ông nhanh chóng khẳng định tài nghệ của mình.

Năm 11 tuổi, Thanh Tòng được các ký giả Sài Gòn phong tặng danh hiệu “Thần đồng sân khấu” sau khi xem ông diễn những vai lão như: Trịnh Ân, Bao Công, Quan Công..., rồi đóng cả các vai giả gái như Điêu Thuyền, Hồ Nguyệt Cô...

NSND Thanh Tòng là đệ tử chân truyền của chính cha ông - nghệ sĩ Minh Tơ. Cha ông đã cho ông học và diễn tất cả loại vai như: văn, võ, trung thần, nịnh thần, lão mùi…, kể cả các tính cách độc, mùi và vai giả gái. Đến năm 17 tuổi, Thanh Tòng đã là một nghệ sĩ đa năng, toàn diện, thay cha quản lý luôn đoàn hát.

Bất cứ nghề nào liên quan đến sân khấu là NSND Thanh Tòng đều học hỏi am tường. Ngoài người cha tài năng của mình, NSND Thanh Tòng còn may mắn được các nghệ sĩ Khánh Hồng, Đức Phú, Thành Tôn, Hoàng Nuôi, Sáu Trọng, Xuân Liễu; các nhạc sĩ: Sáu Từng, Năm Bửu, Năm Cơ, Văn Vĩ... tận tình truyền nghề.

Năm 20 tuổi, ông đã dàn dựng vở “Bao Công vô lò gạch”, “Bao Công tra án Quách Hòe” trên sân khấu Khánh Hồng - Minh Tơ như một khởi nghiệp cho nghề đạo diễn sau này.

Những tác phẩm NSND Thanh Tòng sáng tác và dàn dựng đều ca ngợi tinh thần yêu nước, ca ngợi các anh hùng dân tộc. Trong đó, nổi bật là các tác phẩm được xem là chuẩn mực của cải lương tuồng cổ như: “Câu thơ yên ngựa”, “Tô Hiến Thành xử án”, “Má hồng soi kiếm bạc”, “Ngọn lửa Thăng Long”…

Ông được nhà nước xét tặng danh hiệu NSND vào năm 2007, là nghệ sĩ nhiều năm đoạt Giải Mai Vàng cả vai trò diễn viên và đạo diễn.

Tang lễ của NSND Thanh Tòng diễn ra tại nhà riêng - 12 đường 26 khu dân cư Him Lam Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 21 giờ ngày 22-9. Lễ động quan lúc 6 giờ 15 phút ngày 24-9, an táng tại nghĩa trang hoa viên Gò Đen.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.