Con số này tương đương hơn 1 triệu lượt khán giả đến rạp dù phim chỉ chiếu tại 60% thị phần rạp, không có 40% còn lại của CGV. Vẫn còn trụ lại rạp đến hết tháng 9-2016, đây là một trong số ít phim được tiếp tục công chiếu ở tuần thứ 6.

 Một cảnh trong phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” Ảnh: ĐPCC

Một cảnh trong phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” Ảnh: ĐPCC

Doanh thu bất ngờ của “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” dù có nhiều yếu tố tác động ngoài chất lượng phim, đến từ truyền thông nhưng cũng cho thấy khán giả vẫn yêu thích những phim được đầu tư tử tế, thỏa mãn nhu cầu giải trí của mình. Bởi lẽ, nếu chất lượng không đạt thì dù phim có tạo xì-căng-đan, gây sốc kiểu nào cũng chỉ thu hút sự quan tâm của khán giả vài ngày đầu, không trụ được lâu đến thế.

“Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cho thấy nhận định ban đầu của nhà sản xuất phim này là đúng khi đòi hỏi CGV áp dụng tỉ lệ chia doanh thu theo giá trị sức hút của thị trường chứ không phải theo mức áp đặt có lợi cho họ. Ngô Thanh Vân có đủ cơ sở để tin rằng “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” sẽ ăn khách nên khi phim không vào được hệ thống rạp chiếu của CGV, những giọt nước mắt của cô đã trào ra vì uất nghẹn.

Trong khi đó, mấy hôm nay, phim “Găng tay đỏ” (đạo diễn: Nguyễn Tuấn Anh) cũng gây bão dư luận khi cho rằng bị CGV ép. Tại buổi gặp báo chí mới đây, nhà sản xuất “Găng tay đỏ” lên tiếng trách CGV - đơn vị phát hành phim - đã không hỗ trợ tốt suất chiếu, giờ chiếu và họ cũng nước mắt ngắn dài.

Khác với “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” không được CGV nhận chiếu, “Găng tay đỏ” phát hành khá thuận lợi vì có thêm 40% thị phần của CGV. Tuy nhiên, vì không được khán giả ủng hộ nên phim buộc chọn hướng đi khác, tạm ngưng chiếu chỉ sau 10 ngày ra rạp, chấp nhận thu về 0 đồng.

Nhà sản xuất “Găng tay đỏ” cho biết để tự cứu mình, họ tìm cách mang phim ra nước ngoài, phục vụ khán giả hải ngoại. Sau đó, họ sẽ quay thêm, dựng lại, tạo phiên bản mới rồi tái chiếu ở Việt Nam. Phiên bản mới này dựa trên sự tiếp thu ý kiến từ khán giả, báo giới, đồng nghiệp.

Cả “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” và “Găng tay đỏ” đều có những thông tin “lùm xùm” với CGV nhưng lại ở vị thế khác nhau. Phim của đạo diễn Ngô Thanh Vân tự tin vào chất lượng của mình nên ban đầu mạnh mẽ đòi hỏi một tỉ lệ ăn chia ngang bằng - điều chưa có tiền lệ với CGV. Còn CGV cũng biết đây là sản phẩm ăn khách nhưng tư tưởng cào bằng và không muốn tạo tiền lệ nên từ chối thỏa thuận. Mất đi 40% thị phần là con số lớn nhưng cuối cùng, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” lại chiến thắng doanh thu nhờ sự ủng hộ của khán giả. Trong khi đó, “Găng tay đỏ” được CGV phát hành nhưng không chinh phục được khán giả, buộc phải chọn lựa bước đi mạo hiểm.

Rõ ràng, khán giả mới quyết định sự thành bại doanh thu của phim. Phim chinh phục được khán giả thì dù chiếu chỉ 60% thị phần cũng thắng lợi và ngược lại. Những gì “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” làm được cho thấy một khi nhà sản xuất tự tin vào chất lượng phim của mình, họ có thể mạnh dạn đòi tỉ lệ ăn chia hợp lý mà không phải lo lắng mất đi thị phần rạp chiếu rồi thua lỗ. Bởi lẽ, quyết định doanh thu của phim không nằm ở chủ các cụm rạp chiếu mà là ở khán giả. Phim nhiều người xem, các cụm rạp sẽ phải tự động tăng số lượng suất chiếu, giờ chiếu phù hợp vì lợi ích của chính họ.

Minh Khuê

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.